Chưa có hồi kết vụ đánh tráo sổ đỏ, chiếm đoạt gần 23 tỷ đồng
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênCác bị cáo tại tòa |
Đáng nói, chủ mưu của vụ án, Vũ Quý Lãm, SN 1986, quê Hải Dương, cựu Công an viên, đang bỏ trốn và CQCA đã ra quyết định truy nã. Nhưng chưa bắt được Lãm nên CQCA đã tạm đình chỉ điều tra.
11 đồng phạm của Lãm bị truy tố về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Làm giả giấy tờ của cơ quan, tổ chức” gồm: Nguyễn Mạnh Cường, SN 1986; Nguyễn Thị Hậu, SN 1969; Lưu Thị Lượng, SN 1957; Vũ Xuân Thắng, SN 1976; Nguyễn Đình Kiêu, SN 1958; Dương Thị Hòa, SN 1972 - đều trú tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội; Nguyễn Thị Phúc, SN 1970, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội; Đinh Đức Hiệp, SN 1953, quê Vĩnh Phúc; Ngô Thị Bạch Vân, SN 1950; Lê Thu Thảo, SN 1974 - đều trú tại quận Ba Đình, Hà Nội và Phạm Văn Đồng, SN 1990, trú tại huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Theo cáo trạng truy tố của VKSND, thông qua các trang web mua, bán bất động sản, Lãm tìm hiểu thông tin về chủ đất rồi liên hệ, giả là người mua đất. Đối tượng lấy tên giả là Hoàng, yêu cầu chủ nhà chụp ảnh sổ đỏ. Lợi dụng sơ hở của chủ nhà, Lãm đánh tráo sổ đỏ thực hiện màn lừa tinh vi. Có trong tay sổ thật, Lãm phân công đồng bọn làm giả giấy tờ tùy thân của chủ nhà, giả danh chủ nhà ký hợp đồng chuyển nhượng cho người khác nhằm mục đích chiếm đoạt tiền. CQCA kết luận, Lãm và các bị cáo đã thực hiện 11 vụ chiếm đoạt tiền.
Ông Lê Đức L, SN 1959, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, cho hay, khoảng đầu tháng 7-2019, ông L nhờ anh Lê Đức B, SN 1984, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, con trai, rao bán đất ở thị trấn Yên Viên, huyện Gia Lâm, lên mạng. Sau khi có được thông tin về thửa đất của ông L, nhóm của Lãm đã làm giả sổ đỏ mang tên ông. Lãm và 1 đối tượng nữ (chưa rõ nhân thân) giả làm người muốn mua đất hẹn anh B tại quán trà ở phường Ngọc Lâm, Hà Nội. Lãm đề nghị anh B cho xem sổ đỏ. Nhân lúc anh này sơ hở, 2 đối tượng đánh tráo sổ đỏ. Khoảng tháng 12-2019, Lãm phân công cho Cường tìm và thuê Đinh Đức Hiệp giả danh ông L ký hợp đồng chuyển nhượng thửa đất cho người khác. Hiệp biết thửa đất đó không phải là của mình nhưng vẫn đồng ý và cung cấp ảnh chụp căn cước công dân của Hiệp cho Cường để nhóm của Lãm, Cường làm giả giấy tờ tùy thân của ông L. Sau đó, Lãm và Cường đăng bán thửa đất của ông L trên mạng xã hội.
Cùng lúc này, do có nhu cầu mua đất nên vợ chồng anh V đã liên hệ với nhóm của Lãm để hỏi mua đất. Hai bên thỏa thuận, giá bán đất là 3,2 tỷ đồng. Theo hướng dẫn của Lãm, Hiệp giả danh ông L đến nhà anh V ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất. Vợ chồng anh V đã thanh toán đủ số tiền trên cho nhóm của Lãm.
Đến ngày 3-1-2020, vợ chồng anh V mang sổ đỏ đến chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội huyện Gia Lâm, Hà Nội, làm thủ tục sang tên thì mới hay biết, nhà ông L có đơn đề nghị tạm thời ngừng giao dịch thửa đất trên.
Bằng thủ đoạn tương tự, nhóm đối tượng còn mang sổ đỏ thế chấp, chiếm đoạt tiền tỷ của Ngân hàng VPBank. Cơ quan chức năng xác định, tổng số tiền các bị cáo chiếm đoạt của các nạn nhân và ngân hàng là gần 23 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tại phiên tòa xét xử, do có 1 bị cáo vắng mặt nên HĐXX dời lịch xét xử vào ngày 5-5.
Không nên cung cấp hoặc công khai sổ đỏ Quá trình tìm hiểu để mua nhà, đất, người mua đề xuất được xem sổ đỏ, chủ đất cần tìm hiểu nhân thân của họ để cân nhắc, quyết định có đáp ứng hay không. Nếu không quen biết, không nên cho xem bản gốc, có thể chỉ cho xem bản photo. Trên bản này, phần thông tin cá nhân của chủ đất (họ tên, số căn cước công dân, địa chỉ), số sổ, ngày cấp, số hồ sơ gốc nên xóa để những đối tượng có ý định xấu không có thông tin. Trường hợp người mua là người quen biết, chủ đất có thể cho xem trực tiếp nhưng hạn chế hoặc không nên cho chụp ảnh bởi có thể bị lộ lọt hình ảnh ra bên ngoài. |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại