Chú trọng lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênNgười dân thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa quận Hà Đông. |
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động tư pháp
Theo đó, năm 2022, quận Hà Đông đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các hoạt động tư pháp và cải cách tư pháp trên các thông tin đại chúng. Trung tâm VHTT&TT quận, các phường thường xuyên đưa tin bài về tình hình kết quả thực thi pháp luật, nêu gương người tốt việc tốt, phát hiện đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động tư pháp trên Cổng thông tin điện tử quận, các trang panpage và hệ thống truyền thanh cơ sở.
Phòng Tư pháp quận tổ chức biên soạn, in, cấp phát 4 loại tờ gấp tuyên truyền, mỗi loại 32.000 tờ cho các phòng, ban đơn vị quận, UBND các phường với các nội dung: Một số quy định về xử phạt vi phạm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, Nghị định số 124/2021/NĐ-CP và Bộ Luật hình sự năm 2015; Hướng dẫn thực hiện dịch vụ công trực tuyến lĩnh vực tư pháp trên Cổng dịch vụ công trực tuyến TP Hà Nội;
Những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thi hành, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Tổ chức biên soạn bộ câu hỏi - đáp, bài tuyên truyền pháp luật một số nội dung cơ bản của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia, Luật Khám bệnh, chữa bệnh…
Tổ chức hưởng ứng cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật ứng xử trên môi trường mạng" do UBND TP phát động, bồi dưỡng kỹ năng, kiến thức pháp luật về Luật Cư trú cho 218 tuyên truyền viên pháp luật. Chú trọng thực hiện công tác trợ giúp pháp lý, hòa giải cơ sở nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, Nhân dân; góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận.
Những kết quả đạt được
Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 01 của liên ngành trong công tác thụ lý, tiếp nhận giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Trong năm, cơ quan cảnh sát điều tra đã tiếp nhận, thụ lý 1.132 tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố. 100% các tin báo, tố giác tội phạm đều được tiếp nhận theo trình tự, thủ tục pháp luật, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài.
Công tác xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; chất lượng tranh tụng tại phiên tòa ngày càng được nâng lên. Trong quá trình xét xử các vụ án hình sự, Viện kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra và TAND quận, do đó trong năm 2022, trên địa bàn quận Hà Đông không có trường hợp nào oan, sai, bỏ lọt tội phạm hoặc bị cấp trên hủy án để điều tra, truy tố, xét xử lại. Đối với các vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, Tòa án đã giải quyết 1180 vụ việc, đạt 83,3%.
Coi trọng công tác hòa giải với việc thực hiện nghiêm Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó có nội dung khuyến khích việc giải quyết một số tranh chấp thông qua thương lượng, hòa giải, trọng tài, từ đó làm giảm bớt số lượng án phải xét xử, tạo điều kiện cho công tác thi hành án dân sự được thuận lợi, tỷ lệ các vụ án giải quyết bằng hòa giải chiếm tỷ lệ cao, đạt 83,9%.
Quận ủy, UBND quận thường xuyên phối hợp với các cơ quan tư pháp của Thành phố tổ chức phát động các cuộc vận động xây dựng đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp của quận có bản lĩnh chính trị vững vàng, giỏi về nghiệp vụ, công tâm, kỷ cương và trách nhiệm, có phẩm chất đạo đức tốt. 100% cán bộ cơ quan tư pháp có trình độ cử nhân Luật, thường xuyên được bồi dưỡng về phẩm chất chính trị và chuyên môn nghiệp vụ theo hướng tiêu chuẩn hóa cán bộ, từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tư pháp trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân đối với hoạt động tư pháp cũng được Quận ủy, HĐND Quận, UBKT Quận uỷ chú trọng. Công tác bắt, tạm giữ, tạm giam, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án; việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực tư pháp; thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở… được Quận ủy và các cơ quan tư pháp quận thực hiện nghiêm túc đúng theo tinh thần chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 07/7/2007 của Bộ Chính trị, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 18/11/2012 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng", Chỉ thị số 15-CT/TU về “Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố".
Thường trực và các ban HĐND đã thành lập các đoàn giám sát để giám sát hoạt động của các cơ quan tư pháp. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc quận, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát cán bộ, công chức, đảng viên trong việc thực thi nhiệm vụ.
Thời gian tới, quận Hà Đông tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn nữa Kết luận số 84-KL/TW, ngày 29/7/2020 của Bộ Chính trị về tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị; chú trọng lãnh đạo nâng cao hiệu quả công tác cải cách tư pháp ở địa phương, thực hiện đúng quy định của Đảng trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan tư pháp quận;
Thực hiện cải cách tư pháp gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kiện toàn tổ chức, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tư pháp có chất lượng, đủ về số lượng đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp; chú trọng công tác tổng hợp, kiến nghị phòng ngừa tình hình vi phạm, tội phạm trong những năm tới; nâng cao hiệu quả công tác giám sát của HĐND, Ủy ban MTTQ và các đoàn thể CT-XH đối với hoạt động tư pháp theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác Tư pháp từ quận đến cơ sở | |
Những hiệu quả từ cải cách tư pháp tại Hà Nội |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại