Thứ hai 25/11/2024 08:39
Các trường ĐH tiếp tục tăng học phí:

Chọn ngành chọn nghề, chọn chương trình, không chọn được học phí?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Năm học 2021-2022, các trường ĐH tiếp tục tăng học phí theo lộ trình. Trong đó, nhiều trường bắt đầu áp dụng cơ chế tự chủ tài chính sẽ có mức thu học phí tăng vọt so với năm học trước. Về cơ bản, các thắc mắc, quan tâm của người học và phụ huynh tại các ngày hội tư vấn tuyển sinh đều liên quan đến ngành, nghề, đầu ra. Rất ít ý kiến quan tâm đến học phí tăng theo mức bao nhiêu hàng năm, phải chăng, đó là vấn đề đương nhiên?

Học phí theo chương trình

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã công bố học phí năm 2021 - 2022. Chương trình đào tạo chuẩn từ 22 - 28 triệu đồng/năm. Chương trình đào tạo EliTECH: khoảng 40 - 45 triệu đồng/năm. Chương trình đào tạo quốc tế 55 - 60 triệu đồng/năm, riêng chương trình TROY khoảng 80 triệu đồng/năm (3 học kỳ/năm). Chương trình khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo (IT-E10), logistic và quản lý chuỗi cung ứng (EM-E14): 50 - 60 triệu đồng/năm.

Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường đã có lộ trình tăng học phí từ nay đến năm 2025: Đề án học phí của trường đã được duyệt, bám theo cơ chế giá, căn cứ vào chi phí đào tạo. Với một chương trình riêng lẻ học phí tăng không quá 10% một năm so với chương trình hiện hành. Đảm bảo mức tăng trung bình với tất cả chương trình đào tạo không vượt quá 8%/năm.

Trường ĐH Ngoại thương năm 2021 dự kiến mức học phí cho chương trình tiêu chuẩn là 20 triệu đồng/năm, chương trình chất lượng cao: 40 triệu đồng/năm, chương trình tiên tiến: 60 triệu đồng/năm. Riêng chương trình chất lượng cao ngành quản trị khách sạn do có đầu tư rất lớn nên học phí lên tới 60 triệu đồng/năm.

ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, học phí hệ chính quy chương trình chuẩn năm học 2021-2022 theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học. Lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm và không quá trần theo Nghị định số 86/2015?NĐ-CP ngày 2-10-2015 của Chính phủ.

Về cơ bản, học phí của các trường đều điểu chỉnh ở mức: Nếu có tăng không quá 10%/năm. Nhưng các chương trình khác nhau là một mức học phí khác nhau, nên người học cần quan tâm để tránh việc chuẩn bị khả năng tài chính không sát thực tế.

Chọn ngành chọn nghề, chọn chương trình, không chọn được học phí?
Các chuyên gia đưa ra lời khuyên đối với phụ huynh và học sinh: ngoài chọn ngành chọn trường, còn nên cân đối về mức học phí để đảm bảo khả năng theo học (Ảnh: Khánh Huy)

Học phí theo nhóm trường

Tất nhiên, học phí nhóm trường công khác nhóm trường tư, học phí nhóm trường công bình thường cũng khác trường tự chủ tài chính.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Khôi - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho biết trường hiện đã không còn được Nhà nước cấp ngân sách nên với mức học phí 13 triệu đồng/năm sẽ không đào tạo được. Các lớp cũ vẫn theo lộ trình cũ.

Khối giáo dục ngoài công lập cũng cam kết không tăng quá 10%, nhưng mức học phí khối trường này bản thân đã cao, nên cộng thêm mức tăng theo năm sẽ là con số không nhỏ. Ví dụ tại Trường ĐH quốc tế Hồng Bàng, các ngành có học phí từ 50 - 55 triệu đồng/năm. Riêng ngành y và răng hàm mặt có học phí 182 triệu đồng/năm với chương trình tiếng Việt và 220 triệu đồng/năm với chương trình dạy bằng tiếng Anh.

Học phí Trường ĐH Văn Lang năm học này dao động từ 40 - 54 triệu đồng/năm tùy ngành. Riêng ngành răng hàm mặt có học phí dự kiến từ 160 - 180 triệu đồng/năm.

Không nên chỉ chọn ngành mà bỏ qua học phí

GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ cho rằng: Học phí của các trường năm học 2020 – 2021 đa số tăng. Riêng chương trình chất lượng cao, liên kết quốc tế… cao gấp 2 - 3 lần chương trình đại trà. Dự báo học phí ĐH trong thời gian tới có thể tăng gấp đôi hoặc gấp 3 so với hiện nay, và đó là xu hướng chung nhưng cần tính đến những học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Có nhiều câu hỏi đặt ra rằng, học phí tăng đã bù đắp được bằng chất lượng đào tạo tương đương. Ông Võ Văn Tuấn, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Văn Lang cho biết: Hằng năm các ngành đào tạo sẽ cung cấp thêm các khóa đào tạo kỹ năng, trang bị thêm trang thiết bị, bổ sung các dịch vụ tiện ích... nhằm bảo đảm giá trị tăng thêm cho sinh viên.

Có một thực tế là trong các chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp, phụ huynh, học sinh đa phần quan tâm đến chọn ngành, chọn nghề, điểm chuẩn… rất ít ý kiến quan tâm về học phí. Vì thế, các chuyên gia tư vấn luôn nhắc học sinh, phụ huynh cần lưu ý đến vấn đề này.

GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, giám đốc Trung tâm khảo thí - ĐH Quốc gia Hà Nội, khuyên thí sinh nên đọc kỹ đề án tuyển sinh để nắm được học phí trong suốt 4 năm ĐH, tránh trường hợp trúng tuyển nhưng học phí quá cao không theo học được.

Phan Thủy
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động