Thứ hai 25/11/2024 06:37

Cho thuê xe tự lái nếu bị phạt nguội ai phải chịu trách nhiệm?

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Với thủ tục đơn giản, không rườm ra khiến dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái được rất nhiều người dân sử dụng. Mặc dù dễ "hái ra tiền" nhưng chủ xe thường xuyên phải đối mặt với nhiều rủi ro, từ việc các "thượng đế" mang đi cầm cố, bị phạt nguội, thậm chí là gây tai nạn.
Cho thuê xe tự lái sau đó nhận phạt nguội là điều không hiếm sau mỗi dịp tết
Cho thuê xe tự lái sau đó nhận phạt nguội là điều không hiếm sau mỗi dịp Tết

Nỗi lo dính phạt nguội

Dịch vụ cho thuê xe ô tô tự lái là một dịch vụ khá phổ biến ở TP Hà Nội và các đô thị trong cả nước. Dạo một vòng trên các trang mạng, không khó để có thể lựa chọn một cơ sở cung cấp dịch vụ đi kèm với thủ tục khá đơn giản. Khi thuê xe, khách hàng chỉ cần giấy CMND, hộ khẩu và bằng lái xe photo cùng một khoản tiền nhất định (hoặc là xe máy và giấy tờ xe) làm đảm bảo là được chủ thuê xe cung cấp cho sổ kiểm định, giấy tờ xe (photo công chứng).

Anh Nguyễn Đức Nghĩa - chủ một cơ sở cho thuê xe tự lái cho biết, hiện anh đang có khoảng 10 - 15 chiếc xe cho thuê, trong đó có cả những dòng mới như Vinfast Fadil, Mitsubishi Xpander... Với giá thuê khá "mềm", đủ mọi mẫu mã từ bình dân tới cao cấp cho mọi người tuỳ ý lựa chọn.

"Hiện tại, giá thị trường thuê xe tự lái tại Hà Nội giao động từ 600.000 - 800.000 đồng/ngày đối với xe 5 chỗ ngồi bình dân như KIA Morning, Hyundai Grand i10, Toyota Vios,… và từ 700.000 - 900.000 đồng/ngày đối với xe 7 chỗ như Toyota Innova, Mitsubishi Xpander, Suzuki Ertiga; Những mẫu xe thuộc dạng cao cấp hơn như Vinfast Lux A, Toyota Fortuner 2019... có giá trên 1 triệu đồng/ngày" - Anh Nghĩa cho biết.

Tuy nhiên, theo anh Nghĩa, mặc dù lợi nhuận từ việc cho thuê xe khá tốt nhưng những rủi ro cũng luôn rình rập, nhất là vào dịp lễ, Tết lưu lượng tham gia giao thông cao, người thuê lại hay có tí men rượu khi đi chúc Tết hoặc gặp đối tác, người thân nên dễ xảy ra va quệt, đi sai luật bị phạt nguội.

"Không phải cứ ngồi mát ăn bát vàng được đâu. Tôi cũng lo ngay ngáy khi cho thuê xe, song làm nghề thì phải chấp nhận. Hàng ngày, tôi phải dành thời gian nhất định lên mạng tra cứu xem xe của mình có vi phạm giao thông hay không. Từ khi lực lượng CSGT xử phạt qua hệ thống camera, có rất nhiều khách của tôi bị dính lỗi "phạt nguội" nhưng mấy ngày sau mới có kết quả. Thông thường thời gian đó người thuê xe đã trả xong tiền, giấy tờ, lấy lại tiền cọc nên những vi phạm như thế mình phải chịu"- anh Nghĩa chia sẻ.

Nhiều chủ xe khác cũng gặp rắc rối, đó là việc khách hàng thuê xe đi xa vi phạm Luật Giao thông đường bộ dẫn đến phạt nguội. Khi khách đã trả xe, hợp đồng đã tất toán thì chủ xe mới "giật mình" vì nhận được thông báo phạt, thậm chí có trường hợp đến hạn đăng kiểm mới biết xe của mình bị phạt nguội. Càng khó khăn hơn cho các chủ xe, đó là dù nhiều trường hợp sau khi đối chiếu thông tin, thời gian vi phạm, kiểm tra lại hợp đồng cho thuê qua đó xác định được người thuê nhưng việc họ chịu tiền đóng phạt lại là chuyện khác.

Luật quy định thế nào?

Trao đổi về việc này, luật sư Nguyễn Hồng Thái, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, đây là tình huống rất hay gặp mỗi dịp ra tết. "Người cho thuê xe có kinh nghiệm thì trong hợp đồng sẽ ghi rất rõ từng điều khoản thuê xe, những những người mới, thiếu kinh nghiệm cho thuê thì họ không để ý điều này. Hoặc trường hợp trong hợp đồng ghi rõ nhưng không liên hệ được với bên thuê xe.

Có thể thấy rằng, phần lớn những lỗi giao thông thì đối tượng hướng tới để xử phạt là người điều khiển phương tiện. Trong trường hợp cho thuê, chủ xe cho thuê nếu bị phạt nguội sẽ là người được liên hệ xử lý vì đó là thông tin duy nhất mà cơ quan chức năng có để ra quyết định xử phạt.

Như vậy đây là mối quan hệ giữa 3 bên gồm cơ quan Nhà nước, chủ xe và người thuê. Giữa chủ xe và người thuê tài sản với giá trị lớn như ô tô chắc chắn sẽ có hợp đồng và trong đó sẽ có các điều khoản về trách nhiệm khi xảy ra va chạm, hỏng hóc, thậm chí là xử phạt vi phạm hành chính...", ông luật sư Thái phân tích.

Theo luật sư Thái, sẽ có 2 phương án để xử lý trong trường hợp cho thuê xe tự lái dính phạt nguội. 1 là liên hệ người thuê yêu cầu hoàn trả tiền nộp phạt, nếu bên thuê không trả thì khởi kiện dân sự. 2 là người cho thuê phòng trước đó bằng hợp đồng và cọc tiền, sau khi nhận bàn giao xe thì quy định từ sau 10 - 20 ngày để nhận lại cọc. Trong thời gian đó chủ xe check phạt nguội đồng thời chủ động khấu trừ tiền cọc nếu phát sinh nghĩa vụ hành chính trong khoảng thời gian thuê này.

Trong hợp đồng cho thuê xe tự lái thường có thông tin của người thuê xe, tuy nhiên điều đó không có nghĩa người này ở cố định một địa chỉ đã nêu trong hợp đồng, vì vậy khi nhận thông báo về phạt nguội chưa chắc đã liên hệ được với người thuê.

"Đối với những loại xe cho thuê xe tự lái, quyền và nghĩa vụ của hai bên từ ngày nào đến ngày nào thì người thuê xe sẽ phải chịu trách nhiệm, điều khoản này phải nêu rõ trong hợp đồng. Sau thời hạn khách hàng trả xe, người cho thuê cần giữ một khoản cọc lại thời hạn khoảng 15 ngày sau sẽ trả lại cho khách. Thời điểm này chủ sở hữu phải kiểm tra trên hệ thống hành chính để kiểm tra trên lộ trình người thuê xe đi có bị phạt hay không.

Đây là trách nhiệm và quyền lợi của người cho thuê, nếu không làm thì phải chịu đóng phạt”, luật sư Thái nói.

Thái An
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động