Thứ hai 25/11/2024 23:52

Cảnh giác với những đồ chơi trẻ em bắt mắt

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
(PL&XH) - Ai cũng bảo, làm trẻ con thời nay thật sướng vì có nhiều đồ chơi đẹp mà lại “thông minh” với nhiều tính năng.


Thế nhưng, chính sự đa dạng, phong phú, dễ kiếm của những loại đồ chơi lại đang là mối nguy hiểm đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của trẻ khi chúng không được kiểm nghiệm chặt chẽ; khi không có sự kiểm soát cẩn trọng của người lớn.

Nhập viện vì “bình ga di động”

Mặc dù được cảnh báo nhiều về sự nguy hiểm của những loại bóng này nhưng nhiều người vẫn chủ quan, bất cẩn dẫn đến tai nạn vô cùng đáng tiếc trong khi ngày Tết đang cận kề. Ngày 16-1, khi kết thúc đám cưới người thân ở nhà hàng, anh Đức, 40 tuổi ở Long Biên, Hà Nội thu dọn và cầm chùm bóng bay được bơm khí hydro với số lượng gần 30 quả. Đúng lúc ấy có cháu bé xin để chơi, anh Đức liền rút dây buộc trong chùm bóng ra nhưng không được nên dùng bật lửa đốt dây. Đến quả thứ 2, khi đang đốt dây buộc đoạn gần quả bóng thì cả chùm bóng phát nổ. Tiếng nổ phát ra lớn đến mức người nhà tưởng nổ bình gas trong bếp của nhà hàng.

Sau tiếng nổ khủng khiếp này là khắp đầu, mặt, hai tay và quần áo của anh Đức cùng 2 đứa con nhỏ và 1 người cháu bám đầy lửa. Sau khi được sơ cứu .tại chỗ, cả 4 nạn nhân được chuyển tới khoa Bỏng, BV XanhPôn để điều trị. Anh Đức cho biết, từ trước tới nay anh và mọi người không ai nghĩ bóng bay lại nguy hiểm như thế.

Ngày 17-1, một cặp đôi khi đi chụp ảnh cưới tại studio đã dùng bóng bay bơm khí để tạo dáng. Khi đang chụp ảnh, bất ngờ chùm bóng phát nổ khiến cô dâu bị cháy xém ở mặt còn 2 nhân viên của studio đang hỗ trợ giữ bóng thì bị bỏng nặng.

Trước đây đã có trường hợp 2 bé gái ở Hải Phòng bị bỏng toàn thân do bóng bay phát nổ. Khi đi đám cưới, 2 chị em bé My xin được bóng bay và cầm đi lại khắp nơi. Chẳng may có một người đàn ông đang hút thuốc thấy các bé đi qua liền thò điếu thuốc châm vào quả bóng khiến lửa bốc lên và nhanh chóng lan ra chiếc váy voan khiến toàn thân các bé bị bỏng nặng.


Lung linh, rực rỡ là thế nhưng khi phát nổ thì những quả bóng trở nên vô cùng nguy hiểm. Ảnh: Vân Hà


Nhiễm độc từ đồ chơi trôi nổi

Cùng với loại đồ chơi nguy hiểm ẩn bên trong vẻ ngoài lung linh, rực rỡ trên thì có nhiều loại đồ chơi được cảnh báo trước (bởi không qua kiểm định, không có chứng nhận an toàn) nhưng vẫn có nhiều trẻ em vô tư lựa chọn. Vì thế, không ít trẻ phải lĩnh hậu quả đáng sợ. Vừa qua, hàng loạt học sinh ở Đắk Nông đã bị ngất xỉu, co cứng toàn thân, nổi ngứa… khi chơi loại đồ chơi trôi nổi có xuất xứ từ Trung Quốc.

Cụ thể, ngày 16-1, nhiều học sinh trường tiểu học Chu Văn An, thị trấn Đức An, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã mua món đồ chơi giống quả lựu đạn ở gần cổng trường. Trong lúc đùa giỡn, giẫm đạp, món đồ chơi này phát nổ và bắn ra dung dịch lỏng màu trắng khiến 40 học sinh có triệu chứng choáng váng, khó thở, có em bị ngất phải nhập viện. Hầu hết trẻ nhập viện với các triệu chứng khó thở, co cứng các cơ, các chi, toàn thân nổi ngứa. Một số trẻ bị nặng phải truyền đạm, thở ôxy.

Theo kết quả điều tra của cơ quan chức năng trên địa bàn thì đây là loại đồ chơi dạng quả nổ nhỏ, bao bì in tiếng nước ngoài, bên trong chứa hóa chất dạng bột trắng kèm gói chất lỏng. Khi va đập, nó sẽ tạo phản ứng hóa học, phát ra tiếng nổ và giải phóng khí độc. Mỗi gói đồ chơi kích thước 6-7cm. Sau khi nổ chất lỏng văng ra dính vào da gây mẩn ngứa và khiến các em chóng mặt, khó thở.

Trong các dịp Tết hàng năm đều có trẻ bị tai nạn do sử dụng những loại đồ chơi bạo lực, không đảm bảo an toàn như súng bắn đạn nhựa. Đã có nhiều trẻ bị tổn thương giác mạc, thậm chí còn mù mắt do sử dụng loại súng này để chơi trận giả…

Nguy cơ tiềm ẩn từ các loại đồ chơi vẫn đang rình rập, đe dọa đến sự an toàn của trẻ, nhưng một phần do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn nên đã xảy ra nhiều hậu quả đáng tiếc. Bên cạnh đó là sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng trong kiểm soát, kiểm nghiệm các loại đồ chơi để các loại đồ chơi không an toàn lưu thông trôi nổi trên thị trường.

Bác sỹ Nguyễn Thống, trưởng khoa Bỏng, BV XanhPôn cho biết, những trường hợp bị bỏng do nổ bóng bay có hydro không phải chuyện hiếm hoi. Mỗi năm, khoa Bỏng tiếp nhận hàng chục vụ tương tự, chủ yếu xảy ra vào thời điểm lễ hội, Tết, mùa cưới-thời điểm bóng bay được trẻ em sử dụng nhiều. Chỉ cần có tàn thuốc chạm vào là quả bóng sẽ thủng, khí hydro thoát ra kết hợp với khí ôxy gây nổ, tạo sức ép khiến cả chùm bóng nổ theo.
Dù nguy hiểm như vậy nhưng hiện nay, thông tin và kiến thức của người dân về những tình huống như thế này đang rất hạn chế. Vì thế, người dân nếu cho con chơi, sử dụng bóng bay cần tránh xa nguồn lửa. Ở nơi công cộng, có thể có tàn thuốc lá tạt vào gây sự cố nên cần hết sức thận trọng-bác sĩ Thống khuyến cáo.


Vân Hà

Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động