Cần thiết phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đô
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênTriển khai các biện pháp cải tạo hạ tầng, tăng cường lực lượng chức năng điều tiết, phân luồng giao thông... Ảnh: Khánh Huy |
Đẩy mạnh Phát triển giao thông công cộng
Trước đó, trên trục đường Trần Phú đoạn cổng Học viện An ninh Nhân dân hướng đi Nguyễn Trãi ghi nhận tình trạng ùn tắc kéo dài vào sáng 8/4. Đáng nói, đây từng là điểm đen ùn tắc từng được Sở GTVT Hà Nội công bố đã xử lý dứt điểm trong năm 2021. Làn đường rộng bậc nhất Thủ đô (gần 20m) nêm chặt người xe. Nhiều người không thể kiên nhẫn đã len lỏi chuyển làn. Chỉ vài phút sau đó trên vỉa hè cũng chật ních phương tiện.
Tương tự, trên đường Trường Chinh hướng đi từ đường Láng cũng trở thành điểm đen ùn tắc ngay sau khi thông xe đường Vành đai 2 trên cao, đoạn Ngã tư Vọng - Ngã Tư Sở. Đến nay, dù được tổ chức lại giao thông, điều chỉnh hệ thống đèn tín hiệu, đóng làn đường hướng Tây Sơn nhưng tình trạng ùn tắc ở đây vẫn rất phức tạp.
Tại nút giao Ngã Tư Sở - Trường Chinh - Láng, do các phương tiện từ đường Vành đai 2 trên cao ùn ùn đổ xuống, xen lẫn vào dòng người đông đúc bên dưới khiến giao thông tắc cứng.
Không chỉ trên các tuyến đường trên, tình trạng ùn tắc giao thông còn diễn biến phức tạp trên nhiều tuyến đường trục chính trên địa bàn TP như: Xuân Thủy - Cầu Giấy; Phạm Hùng, Khuất Duy Tiến, Tố Hữu - Lê Văn Lương…
Các chuyên gia giao thông nhận định, hàng năm Hà Nội đề ra mục tiêu xóa từ 8 đến 10 điểm đen ùn tắc giao thông và giảm từ 5%-10% tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn. Trên cơ sở khảo sát của liên ngành CA và Sở GTVT và đề xuất của các quận chọn những điểm nguy cơ nhất thì làm trước.
Do đó, phải quy hoạch lại mạng lưới giao thông nội đô, phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe máy. Cải thiện số lượng và chất lượng dịch vụ xe buýt trong định hướng phát triển giao thông công cộng.
Bởi, chừng nào giao thông công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân thì chừng ấy người dân vẫn phải sử dụng phương tiện cá nhân và ùn tắc giao thông chưa thể giảm.
Khi vận tải công cộng đã phát triển đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân vẫn cần phải có thêm các giải pháp đồng bộ khác đi kèm, như vậy mới có thể cải thiện ùn tắc, tiến tới giảm ùn tắc giao thông một cách bền vững.
Giải pháp đầu tư hạ tầng, xóa ùn tắc bền vững
Trước đó vào năm 2021, Sở GTVT Hà Nội đã lên phương án để giải quyết dứt điểm các điểm ùn nghiêm. Để hạn chế ùn tắc, Sở GTVT Hà Nội sẽ phối hợp với Phòng CSGT (CA TP Hà Nội) triển khai các giải pháp như: Cải tạo hạ tầng; tổ chức lại giao thông; tăng cường lực lượng chức năng điều tiết, phân luồng giao thông; lắp đặt hệ thống đèn tín hiệu; đẩy nhanh tiến độ thi công công trình.
Phấn đấu trong năm 2021 giải quyết dứt điểm 10 điểm ùn tắc. Trong đó, đặc biệt tập trung theo dõi và xử lý các điểm “nóng”, như: Nút giao Phùng Chí Kiên - Hoàng Quốc Việt, nút giao cầu 361 - đường Nguyễn Khang, điểm quay đầu Trung Văn - Tố Hữu, lối lên đường Vành đai 3 đoạn nút giao BigC, nút giao Nghiêm Xuân Yêm - Nguyễn Hữu Thọ, Linh Đường - Nguyễn Hữu Thọ.
Thông tin về công tác xử lý các điểm ùn tắc giao thông, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, năm 2021 đã giải quyết được 10/37 điểm nhưng lại phát sinh thêm 8 điểm mới. Điều này cũng đồng nghĩa với việc năm 2022 sẽ phải giải quyết 35 điểm đen.
Để giải quyết các điểm, nút giao phức tạp, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, đang nỗ lực đẩy nhanh các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn TP. Trong số này, đáng kể nhất là dự án đầu tư tuyến đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội; hoàn thiện các lối lên xuống đường Vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long; dự án Vành đai 2 trên cao, dưới thấp đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Thanh Niên - An Dương giai đoạn 2; đầu tư hoàn chỉnh theo quy hoạch nút giao đường Cổ Linh với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; hầm chui Lê Văn Lương; xây dựng cầu vượt nút giao Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch; cải tạo, mở rộng đường gom Đại lộ Thăng Long từ cầu vượt Phú Đô đến Lê Trọng Tấn...
Trung tá Đặng Mạnh Hùng, Phó đội trưởng Đội CSGT số 3 (Phòng CSGT CA TP Hà Nội) cho biết, dù lực lượng chức năng đã huy động tối đa cán bộ chiến sĩ, phối hợp với Thanh tra GTVT, cảnh sát trật tự tổ chức phân luồng, điều tiết nhưng tại một số điểm không thể giải tỏa được ngay ùn tắc vào giờ cao điểm. Lý do là lưu lượng phương tiện quá lớn.
“Các đơn vị đã bố trí tăng thêm lực lượng tăng cường tuần tra, chốt trực trên các tuyến đường chính, tuyến đường dẫn. Qua đó, kịp thời phát hiện và xử lý những sự cố phát sinh. Đồng thời đề xuất với Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu tổ chức lại giao thông theo hướng phù hợp khi cuộc sống trở lại bình thường”, Trung tá Hùng nói.
Vì vậy, việc tổ chức giao thông chỉ là giải pháp trước mắt để chống ùn tắc. Về lâu dài, cần nhiều giải pháp kết hợp trong đó, quan trọng bậc nhất là đầu tư, mở rộng, nâng cấp hạ tầng giao thông.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại