Thứ hai 25/11/2024 10:50

Cần hành động mạnh mẽ để bảo vệ trẻ em

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Bà Rana Flowers - Trưởng đại diện UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần có một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn cho phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là từ khi vụ án cháu bé 8 tuổi tại TP. HCM bị người tình của bố hãm hại mới đây.
Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em để các em được nuôi dưỡng, phát triển trong tình yêu thương. (Ảnh: Tư liệu)
Cần tăng cường các biện pháp bảo vệ trẻ em để các em được nuôi dưỡng, phát triển trong tình yêu thương. (Ảnh: Tư liệu)

Không khoan nhượng đối với bạo lực

Theo UNICEF, khoảng 70% trẻ em dưới 15 tuổi tại Việt Nam từng bị gia đình kỷ luật bạo lực, xếp thứ 27 trên 75 quốc gia. Theo số liệu của Bộ CA, năm 2020, Việt Nam có gần 2.000 vụ bạo hành trẻ bị phát hiện. Đáng nói, 97% số vụ bị phát hiện, kẻ gây hại đều thân, quen với nạn nhân. Tính chất của các vụ việc có chiều hướng phức tạp, nghiêm trọng hơn. Trẻ em bị bạo lực, xâm hại ở nhiều độ tuổi, xảy ra ngay trong môi trường gia đình hoặc trường học, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó có cả chính người thân trong gia đình, giáo viên và bạn bè trong trường học. Thế nhưng, rất nhiều vụ việc lại bị chìm vào im lặng và đơn độc.

Trước việc các vụ xâm hại trẻ em ngày càng gia tăng, thậm chí còn tăng nhiều hơn trong thời gian giãn cách vì Covid-19, Tổ chức UNICEF cho rằng yêu cầu cấp bách đặt ra hiện nay là Việt Nam cần có các giải pháp mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ phụ nữ và trẻ em. Đó là một hệ thống với các nhân viên công tác xã hội được đào tạo chuyên nghiệp, có trình độ, những người có thể xác định, can thiệp, đáp ứng với nhu cầu và bảo vệ trẻ em và phụ nữ. Trên cơ sở vì lợi ích tốt nhất cho trẻ em, cần có một hệ thống với lực lượng CA được đào tạo, với các thẩm phán và tòa án thân thiện với trẻ em, cần có thái độ không khoan nhượng đối với bạo lực.

Theo bà Rana Flowers, không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu CA phải hành động để bảo vệ nạn nhân; CA sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời; các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay. Bên cạnh đó, những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi. UNICEF cam kết hỗ trợ việc xây dựng một hệ thống bảo vệ có sự điều phối giữa các bên liên quan.

Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam nhấn mạnh nếu có vụ việc liên quan đến xâm hại hay bạo hành trẻ em, cách đơn giản nhất là người dân gọi điện cho tổng đài quốc gia 111, cơ quan này sẽ triển khai tất cả các biện pháp cần thiết để phối hợp với các cơ quan chức năng, ngăn chặn ngay hành vi dẫn đến nguy hại cho tính mạng và sức khỏe của trẻ em. Ông Nam cho biết thêm, hiện nay Chính phủ đang sửa đổi Nghị định xử lý hành chính trong lĩnh vực quyền trẻ em, trong đó có chế tài xử lý cơ quan tổ chức, cá nhân nào có thông tin trẻ em bị bạo hành, xâm hại mà không báo cho cơ quan chức năng thì sẽ bị xử lý hành chính.

Khi Quyền trẻ em được đảm bảo

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, đã đến lúc phải có những hành động cụ thể, thiết thực, có tính khả thi chứ không chỉ hô hào khẩu hiệu, tỏ ra thương xót một cách sáo rỗng đối với những nạn nhân như thế này. Các biện pháp để bảo vệ trẻ em cần được tăng cường hơn nữa, được thực hiện đồng bộ, đầy đủ các giải pháp. Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật về bảo vệ Quyền trẻ em. Thứ hai, tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, đặc biệt là pháp luật về Quyền trẻ em cho trẻ em, cha mẹ, người giám hộ, thầy cô giáo và cộng đồng xã hội để nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ quyền trẻ em, giúp mọi người đều nhận thức được các quyền trẻ em, hình dung được cái giá phải trả khi xâm hại trẻ em, giúp trẻ em ý thức và có tự bảo vệ mình ở những mức độ, tình huống cụ thể. Thứ 3, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đảm bảo thực hiện quyền trẻ em trên thực tế, tránh tình trạng "quyền trẻ em trên giấy" mơ hồ, khó nhận thức, không khả thi, không thể vận dụng...

Thứ tư, kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức và các cán bộ có nhiệm vụ, chức năng bảo vệ trẻ em, tăng cường nhân lực, cơ sở vật chất, trình độ năng lực nghiệp vụ và thẩm quyền cho các lực lượng bảo trợ trẻ em để họ thực hiện tốt nhiệm vụ, yêu cầu đặt ra đồng thời cũng gắn trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ trẻ em. Nếu có trẻ em bị sát hại, bị bạo hành, xâm hại trong phạm vi quản lý thì cá nhân, tổ chức quản lý phải chịu trách nhiệm kỷ luật, xử phạt hành chính và có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Không thể để tình trạng “cào bàn phím” mỗi khi trẻ em bị xâm hại nhưng không ai chịu trách nhiệm rồi đâu cũng vẫn vào đó... rồi vẫn tiếp tục thêm các nạn nhân mới. Thứ 5, xây dựng những lực lượng chuyên trách để bảo vệ trẻ em ở các cấp độ tư vấn hỗ trợ, phòng ngừa, can thiệp, trong đó có lực lượng cảnh sát chuyên trách bảo vệ trẻ em, chỉ cần có nghi vấn trẻ em bị xâm phạm quyền là can thiệp ngay.

Theo TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp: “Một xã hội văn minh, tiến bộ, công bằng thực sự thể hiện ở nhiều khía cạnh, trong đó rõ nét nhất là Quyền trẻ em được ghi nhận đảm bảo như thế nào, ở mức độ nào”.
An Nhiên
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động