Thứ hai 25/11/2024 11:28

Cận cảnh "Trạm y tế online" đầu tiên của Hà Nội

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
22g30 ngày 17-1, chị N, ở phố Châu Long, phường Trúc Bạch gọi điện đến số hotline của "Trạm Y tế online" phường Trúc Bạch, quận Ba Đình trong trạng thái hoảng loạn vì con nhỏ mới 6 tháng tuổi nhiễm Covid-19 quấy, khóc rất nhiều. Sau khi được trấn an và kết nối đến Trạm Y tế phường, bác sỹ đã trực tiếp tư vấn, tình trạng cháu bé dần ổn định.
Cận cảnh
Thành viên Tổ hỗ trợ đang tư vấn cho F0 qua fanpage (ảnh P.C)

Đến sáng 18-1, khi nhân viên của "Trạm Y tế online" liên hệ lại để nắm tình hình thì được biết cháu bé đã ổn định, gia đình vẫn tiếp tục theo dõi. Mẹ của bé cũng bình tâm trở lại sau một đêm hoang mang cực độ.

Đây là một trong nhiều trường hợp đặc biệt được "Trạm Y tế online" phường Trúc Bạch hỗ trợ hiệu quả kể từ khi thành lập đến nay.

Thông tin nhanh để người dân được tiếp cận sớm nhất

"Đại bản doanh" của "Trạm Y tế online" phường Trúc Bạch được bố trí tại một căn phòng nhỏ trong trụ sở UBND phường. Nơi đây luôn luôn có lực lượng ứng trực 24/7. Cán bộ nhân viên của phường được phân công đã thay nhau trực ngày/đêm để giải đáp thắc mắc mà các F0 gọi đến đường dây nóng cũng như gửi đến fanpage thắc mắc nhằm hỗ trợ kịp thời.

Chị Đào Lan Phương, công chức tư pháp phường Trúc Bạch-một thành viên của "Trạm Y tế online" chia sẻ: Kể từ thời điểm ra mắt fanpage (ngày 14-1) đến ngày 18-1 "Trạm Y tế online" của phường đã có sự lan toả trong cộng đồng. Không chỉ người dân trên địa bàn phường nhắn tin, gọi điện cần hỗ trợ mà có cả nhiều F0 ở các địa bàn phường khác, quận khác, thậm chí có cả người nước ngoài cũng nhắn tin đến. Đó là những F0 ở phường Ngọc Hà (quận Ba Đình), F0 ở huyện Ứng Hoà, F0 ở phường Quảng An (quận Tây Hồ).

"Những câu hỏi của F0 tập trung vào tư vấn sử dụng thuốc, tư vấn triệu chứng cũng như hỗ trợ tiêm, test nhanh. Mức độ đáp ứng của tổ hỗ trợ gần như tuyệt đối, có một số bác, một số gia đình trên địa bàn phường thì chúng tôi hỗ trợ ngay. Còn ở địa bàn khác thì tư vấn hướng dẫn để họ yên tâm, hiểu về những việc nên thực hiện khi điều trị", chị Lan Phương tiết lộ.

Để chuyển những băn khoăn, thắc mắc của bệnh nhân một cách nhanh chóng, kịp thời nhất, tổ hỗ trợ của "Trạm Y tế online" đã thành lập nhóm Zalo với các bác sỹ tham gia hỗ trợ chuyên môn gồm 2 bác sỹ của BV Hồng Ngọc và 5 bác sỹ của BV Phổi Trung ương. Ngay sau khi nhận được câu hỏi của F0, thành viên tổ tư vấn chuyển vào nhóm để bác sỹ trả lời. Chỉ trong khoảng thời gian 10-15 phút, F0 đã nhận được thông tin mình cần. "Tôn chỉ mục đích của Trạm Y tế online là đưa thông tin nhanh nhất, sớm nhất cho người dân để họ được tiếp cận sớm nhất", chị Lan Phương nói.

Bám sát tôn chỉ, mục đích ấy, tổ hỗ trợ đã luôn nỗ lực để kết nối, cung cấp thông tin sớm, đầy đủ nhất cho người bệnh. Ban ngày có 3-4 người trực còn ban đêm có 1-2 người trực nhưng mọi người đều cố gắng hỗ trợ nhanh chóng nhất cho F0. Có thể về chuyên môn chưa kết nối được với bác sỹ thì chúng tôi tư vấn tâm lý, trấn an người bệnh nhưng nhu yếu phẩm thì chúng tôi phân bổ cho các lực lượng như đoàn thanh niên, dân quân hỗ trợ ngay trong đêm.

Cận cảnh "Trạm y tế online" đầu tiên của Hà Nội
Bất kể ngày, đêm, Tổ hỗ trợ đều trực 24/24 giờ để kịp thời tư vấn cho người bệnh (ảnh P.C)

Cuộc gọi cầu cứu của bà mẹ trẻ lúc đêm khuya

Mặc dù thời gian hoạt động của "Trạm Y tế online" của phường Trúc Bạch chưa lâu nhưng trong khoảng thời gian ngắn đã có rất nhiều trường hợp F0 được tư vấn, hỗ trợ hiệu quả. Đó là trường hợp một người mẹ trẻ ở phố Châu Long, phường Trúc Bạch gọi điện đến số đường dây nóng của Trạm Y tế online lúc đêm khuya 17-1 trong trạng thái hốt hoảng, hoang mang vì con nhỏ 6 tháng nhiễm Covid-19. Cháu bé lúc ấy quấy, khóc rất nhiều khiến người mẹ trở nên bấn loạn.

"Việc đầu tiên lúc đó là tôi trấn an người mẹ, hỏi han tình hình của bé và tư vấn theo những kiến thức mình được biết. Sau đó liên hệ ngày với trạm Trưởng Trạm y tế phường để chị ấy chủ động gọi lại và tư vấn cho bé. Sáng hôm sau khi gọi lại thì bé đã ổn, gia đình tiếp tục theo dõi nếu cần thiết chúng tôi sẽ hỗ trợ đưa đi bệnh viện", chị Lan Phương kể lại.

Hay như trường hợp một bệnh nhân nam hơn 80 tuổi ở Cửa Bắc, phường Trúc Bạch đang điều trị, cách ly tại nhà. Buổi tối khi thấy chỉ số SpO2 thấp, bệnh nhân khó thở nên đã gọi điện ra Trạm Y tế online. Chúng tôi hướng dẫn một số tư thế để bệnh nhân dễ thở hơn rồi liên hệ với trạm y tế phường để chuẩn bị ô xy.

"Bên này chúng tôi gọi xe cấp cứu hỗ trợ đưa bệnh nhân sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Đến nay sức khoẻ bác ấy ổn, tình hình khả quan. Cả gia đình bác ấy có 6 F0 đều đã âm tính. Đây thực sự là những tin vui. Chúng tôi thấy hỗ trợ được thông tin cho người dân như vậy là rất tốt, nếu thông tin đến kịp thời thì sẽ giúp được cho rất nhiều người", chị Phương bày tỏ.

Đối với chị Nguyễn Thị Bích Ngọc, cán bộ phường Trúc Bạch-thành viên tổ tư vấn thì trong những ngày trực "Trạm Y tế online" ca bệnh ấn tượng nhất là trường hợp bệnh nhân sinh năm 1956 sống một mình bị dương tính với SARS-CoV-2.

Bệnh nhân gọi điện thông báo làm bảo vệ một công ty, mỗi tuần công ty xét nghiệm 2 lần. Khi bệnh nhân về nhà thì công ty thông báo kết quả dương tính nên bệnh nhân này rất hoang mang, sợ hãi và đặt câu hỏi: “Cần phải làm gì, tôi là F0...?”.

Hiểu được tâm lý lo lắng của người bệnh, chị Ngọc đã trấn an, động viên: Chú đã tiêm 3 mũi vắc xin, không có triệu chứng của bệnh thì cứ bình tĩnh, yên tâm. Sau đó chị Ngọc hướng dẫn bệnh nhân thực hiện cách ly tại nhà, thông báo kết quả xét nghiệm đến trạm y tế để được hỗ trợ.

Tổ hỗ trợ vẫn giữ liên hệ với F0, trường hợp này ở một mình, không có người hỗ trợ nhu yếu phẩm nên phường phối hợp tổ dân phố hỗ trợ mua nhu yếu phẩm mang đến nhà.

"Cảm ơn vì đã giữ an toàn cho mọi người"

Theo chị Lan Phương, nhu cầu hỗ trợ của bệnh nhân Covid-19 khi cách ly tại nhà không chỉ về vấn đề sức khoẻ, bệnh tật mà cả các vấn đề khác. Tất cả đều được tổ hỗ trợ phân công, điều tiết để tạo thuận lợi nhất cho người bệnh yên tâm cách ly tại nhà.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, đã có nhiều trường hợp được hỗ trợ với đủ nhu cầu khác nhau. Sau đó mọi người gửi lời cảm ơn vào nhóm, điều này khiến các thành viên tổ hỗ trợ cảm thấy vui và thêm động lực để hoạt động.

Khi đọc những dòng tin nhắn cảm ơn của một người mẹ được hỗ trợ làm thủ tục khai sinh cho con qua mạng tổ hỗ trợ cũng thấy vui bởi đã làm được điều ý nghĩa. Cháu bé sinh ra chưa kịp làm khai sinh thì nhiễm bệnh, gia đình rất cần các thủ tục để làm bảo hiểm nhưng đang trong diện cách ly. Tổ tư vấn đã hỗ trợ mọi thủ tục hành chính cho gia đình và bản sao giấy khai nhằm tạo thuận lợi cho công dân...

Hay một bệnh nhân ở Hoài Đức từng điều trị ở nhà 5 ngày, không khỏi người vẫn khó chịu được đưa đến khu cách ly tập trung nhưng tình trạng vẫn không cải thiện. Lo lắng và không biết chia sẻ cùng ai, bệnh nhân này nhắn tin đến "Trạm y tế online" để mong được tư vấn. Khi đã nắm được tình hình của bệnh nhân, hiểu rằng bệnh nhân đang có những lo lắng về tâm lý nên chị Phương đã động viên, chia sẻ, trấn an.

Trường hợp khác là bệnh nhân người nước ngoài ở phường Quảng An, Tây Hồ đã kết nối với tổ tư vấn trong trạng thái hoang mang vì mắc Covid-19 mà không biết các thủ tục khai báo, phòng dịch, thực hiện cách ly như thế nào. Chị Phương đã vận dụng vốn ngoại ngữ của mình để tư vấn cho người bệnh, Những từ chuyên môn về bệnh thì chị khắc phục bằng cách vào "google dịch". Bệnh nhân đã hiểu được thông điệp cần thiết và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới tổ tư vấn "vì đã giữ an toàn cho mọi người".

Cận cảnh "Trạm y tế online" đầu tiên của Hà Nội
Bệnh nhân người nước ngoài sau khi được tư vấn, hướng dẫn thủ tục khai báo phòng dịch đã vô cùng cảm kích (ảnh P.C)

Là một bệnh nhân nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình của tổ tư vấn, anh Bùi Minh Đ. ở Phó Đức Chính, phường Trúc Bạch chia sẻ: Ngày 9-1 khi thấy người mệt anh mua que test nhanh thì kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2. Sau khi thông báo với y tế phường, anh Đ. được phát thuốc và gửi mã QR để kê khai đã uống thuốc, nhận thuốc và theo dõi hàng ngày.

Tuy nhiên, do lo sợ lực lượng y tế ở trạm y tế quả tải nên anh Đ. đã tìm đến sự hỗ trợ của "Trạm Y tế online" để tham khảo thêm các thông tin, kiến thức chăm sóc sức khoẻ, giúp nhanh chóng hồi phục.

"Đến nay em đã lấy lại được khứu giác và vị giác, chờ test lại âm tính là tái hoà nhập cộng đồng. Em cảm rất cảm ơn trạm y tế online đã hỗ trợ, tư vấn kịp thời để e được điều trị. Cám ơn các chị ở trạm y tế phường đã hỗ trợ nhiệt tình về giấy tờ và các phương thức bên ngoài tư vấn đề sức khoẻ, y tế. Khi nhận được sự hỗ trợ song song của 2 mô hình trạm y tế em thấy rất tốt vì những kiến thức cần biết, cần tham khảo đều được tiếp xúc rất gần chứ không phải đi tìm nguồn tin", anh Đ. bày tỏ.

Chia sẻ gánh nặng đè lên vai lực lượng y tế

Thống kê cho thấy, đến ngày 18-1 trên địa bàn phường Trúc Bạch có hơn 300 ca Covid-19, đang điều trị 100 trường hợp. Trong khi đó trạm y tế phường chỉ có 6 người, vì thế rơi vào tình trạng quá tải. Đối với người bệnh, tâm lý ai cũng lo sợ, muốn gọi điện phải được được trả lời ngay, nhưng lực lượng y tế quá tải không thể đáp ứng được.

"Với tình hình dịch bệnh phức tạp, gánh nặng đè lên các y bác sĩ của trạm y tế, để đảm bảo khả năng, sức khỏe cho các bác sĩ trực lâu dài chúng tôi thành lập "Trạm Y tế online" để chia sẻ công việc hằng ngày với mong muốn làm sao chăm sóc các F0 cũng như hỗ trợ các F1 cách ly tại nhà tốt hơn vừa đảm bảo tâm lý đáp ứng đầy đủ nhu cầu phát sinh khi nhân dân cách ly tại nhà. Đồng thời, đảm bảo việc chăm sóc chu đáo để giảm thiểu di chứng hậu Covid", ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch chia sẻ.

Theo Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch, cùng với thành lập "Trạm Y tế online", phường đã thành lập các tổ, trong đó tiếp nhận thông tin của người dân phản ánh sẽ phân loại và chia đến các tổ khác.

Trường hợp người dân cần hỗ trợ các nhu cầu về nhu yếu phẩm hay các nhu cầu khác thì chuyển tổ hỗ trợ thứ nhất. "Trong trường hợp F0 chữa bệnh tại nhà cũng như các trường hợp F1 cách ly tại nhà phát sinh rất nhiều nhu cầu. Họ vẫn phải làm việc, chăm sóc con cái. Vì thế, tổ này đảm bảo nhu yếu phẩm hoặc các giao dịch chúng tôi cũng có người hỗ trợ giao dịch đó trong công việc của họ", ông Nguyễn Dân Huy nói.

Tổ thứ 2 là chăm sóc điều trị F0, tập trung đảm bảo chăm sóc về mặt thể chất nhưng cũng đảm bảo chăm sóc về mặt tinh thần bởi đây đó trên địa bàn Hà Nội khi người dân gọi điện đến trạm y tế thì máy bận, không liên lạc được.

"Chúng tôi hình dung là không phải ở đấy bác sĩ thờ ơ mà ở đó đang quá tải. Chúng tôi cũng đã chứng kiến điện thoại của bác sĩ trạm y tế liên tục đổ chuông trong ngày. Người dân khi gọi điện đến cũng tạo thành tâm lý nghĩ là chúng tôi không được quan tâm hỗ trợ. Người dân bất cứ khi nào cũng có thể phản ánh nhu cầu, mong muốn, tâm tư và được hỗ trợ chia sẻ sẽ có tâm lý vững vàng chiến thắng dịch bệnh", ông Huy phân tích.

Cận cảnh "Trạm y tế online" đầu tiên của Hà Nội
Ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch chia sẻ, việc thành lập "Trạm Y tế online" nhằm giảm tải cho lực lượng y tế trên địa bàn (ảnh P.C)

Tổ thứ 3 hỗ trợ sau khi bệnh nhân khỏi bệnh. Tổ này liên quan đến thủ tục hành chính, bảo hiểm, giấy tờ nộp cho các cơ quan đơn vị sau khi họ hoàn thành điều trị.

Hiện "Trạm Y tế online" của phường Trúc Bạch luôn có 3 cán bộ UBNBD phường túc trực 24/7 để tiếp nhận thông tin. Đồng thời có sự đồng hành của 2 bác sỹ BV Hồng Ngọc, 5 bác sỹ BV Phổi Trung ương tình nguyện tham gia giải đáp các thắc mắc, chăm sóc sức khỏe cho F0. Hiện phường Trúc Bạch cũng thành lập thêm đội tình nguyện để hỗ trợ cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán để tạo tâm lý yên tâm và sự an ủi người bệnh nếu không may bị nhiễm Covid-19.

Việc duy trì song song hoạt động của 2 trạm y tế online và truyền thống đã giúp người dân được tiếp cận, hỗ trợ thông tin nhanh nhất. Khi người bệnh gọi trạm y tế phường không được thì gọi sang trạm y tế online, tổ tư vấn sẽ kết nối, phản hồi thông tin ngay. Ông Nguyễn Dân Huy cho rằng, càng nhiều kênh tiếp cận cho người dân càng tốt để người dân được hỗ trợ kịp thời. Có càng nhiều kênh hỗ trợ càng tốt, càng nhiều lớp càng đảm bảo sự chu đáo cho người dân. "Cả 2 bên có sự liên thông đảm bảo hỗ trợ kịp thời nhưng không chồng chéo. Có thể với cùng 1 câu hỏi trong nhóm Zalo của các F0 thì chỉ nhóm đó biết nhưng khi thông tin được cập nhật trên fanpage sẽ lan toả nhiều hơn và ai cũng có thể đọc. Khi nắm được rồi sẽ không hỏi lại trong nhóm Zalo, giúp giảm áp lực cho đội ngũ y bác sỹ tại trạm y tế".

Cận cảnh "Trạm y tế online" đầu tiên của Hà Nội
Bệnh nhân Covid-19 ở phố Phó Đức Chính cảm thấy yên tâm vì được hỗ trợ kịp thời (ảnh P.C)
Phong Châu
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động