Cái kết “có hậu” của những phụ nữ kiên cường chiến đấu với bệnh ung thư máu
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trênLàm mẹ sau 11 năm chung sống với ung thư máu
Năm 2008, khi ở tuổi 24-lứa tuổi của nhiệt huyết, đam mê thì cô bé Nguyễn Thị Thanh Hồng bỗng được chẩn đoán bị ung thư máu mãn tính (bệnh Lơ-xê-mi kinh dòng bạch cầu hạt). Nghe tin dữ, cả gia đình giấu giếm không nói cho cô gái trẻ mà chỉ biết khóc thầm. Lúc này, Hồng đã tìm hiểu thông tin và trấn an cả gia đình: "Con chưa chết thì mọi người không phải khóc!”
Sau đó là quãng thời gian dài dằng dặc cuộc sống gắn liền với BV, với thuốc thang, kim truyền. Đến khi ở Viện Huyết học-truyền máu Trung ương có chương trình hỗ trợ sử dụng thuốc điều trị nhắm đích Hồng đã lựa chọn. Đây là một trong những loại thuốc điều trị ung thư máu mãn tính tiên tiến nhất trên thế giới, thuốc sẽ tấn công trực tiếp và sửa chữa các đột biến di truyền nhiễm sắc thể gây bệnh, giúp người bệnh không phải truyền hóa chất và có cuộc sống gần như người bình thường trong một khoảng thời gian dài so với các bệnh ung thư khác.
Nhờ có cơ hội được dùng thuốc đều đặn và sự theo dõi của bác sĩ điều trị, sức khỏe của chị Hồng dần dần ổn định. Và sau đó 6 năm, Hồng đã bén duyên với anh Bùi Bá Sơn khi đi chăm người thân ở BV K. Họ làm đám cưới trong sự bất ngờ của mọi người. Họ xác định với bệnh tình của chị thì không thể sinh con. Nhưng rồi như một “món quà” bất ngờ, năm 2008 chị mang thai ngoài dự định.
Biết rõ những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể khiến bệnh tình từ ung thư máu mãn tính sang cấp tính… nhưng khát khao được làm mẹ, chị quyết định không bỏ thai và dừng uống thuốc điều trị nhắm đích. Khi ngừng thuốc mới được 3 tuần, các chỉ số bạch cầu và tiểu cầu đều tăng vọt, nguy cơ tắc mạch máu cho cả mẹ và con (tắc mạch ối) rất cao.
Trải qua quãng thời gian nhập viện theo dõi và điều trị bằng các biện pháp vật lý là gạn tiểu cầu và bạch cầu, đến khi thai 38 tuần tuổi, chị Hồng đã hạ sinh con trong niềm hạnh phúc vô bờ. Chị không thể nhớ nổi mình đã bao nhiêu lần phải vào phòng gạn tách tế bào máu. Số lần gạn tiểu cầu và bạch cầu nhiều đến nỗi tất cả các ven của chị đều vỡ hết. Đến những ngày gần sinh, các điều dưỡng phải lần tìm từng đường ven, khó khăn lắm mới lấy được…
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Ban, người trực tiếp điều trị cho chị Hồng tại khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học-truyền máu Trung ương chia sẻ: Ở góc độ chuyên môn, chúng tôi không khuyến khích người bệnh sinh con. Nhưng tôi rất đồng cảm vì chị ấy đã bị bệnh từ lâu, khi người bệnh quyết tâm để được làm mẹ thì chúng tôi cũng cố gắng hết sức để chị ấy được mẹ tròn con vuông.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hồng hạnh phúc bên thiên thần nhỏ sau quãng thời gian dài chung sống với bệnh. Ảnh NVCC |
Tìm được “bến đỗ” nhờ sự lạc quan
Đối với cô gái trẻ Đỗ Thị Thoa, ở Thái Nguyên những ngày đầu nhận tin mình bị ung thư máu cũng thật khó khăn để chấp nhận. Lúc ấy, Thoa mới 22 tuổi, lứa tuổi còn đầy hoài bão, ước mơ. "Ngày đó em không bao giờ quên được, khi nghe bác sĩ nói cả nhà chỉ biết ôm nhau khóc, khi lên đến khoa điều trị, mẹ em cũng khuỵu xuống”, Thoa nhớ lại.
Trải qua quãng thời gian oán trách số phận hẩm hiu, Thoa đã tự dặn lòng mình phải mạnh mẽ để chiến đấu với bệnh tật vì bản thân mình mà không tự động viên mình thì không ai làm được cả, mình không suy nghĩ tích cực, lạc quan thì dừng lại hết.
Cô gái 22 tuổi bắt đầu bước vào những đợt truyền hóa chất với những khó khăn, thử thách: Mái tóc dài rụng dần từng mảng khiến vẻ bên ngoài khác lạ; sức khỏe suy kiệt, Thoa phải truyền hàng chục đơn vị máu và tiểu cầu để có thêm sức sống. Thêm đó, chứng kiến sự ra đi của những người bệnh cùng phòng, cô gái trẻ vô cùng đau xót cho số phận mình.
"Em vẫn biết ngày đấy sẽ đến với mình, chỉ không biết là đến trong hoàn cảnh nào, đến sớm hay muộn thôi. Em lại càng không bao giờ nghĩ sẽ lập gia đình, sinh con và có một hạnh phúc cho riêng mình”, Thoa chia sẻ.
Nhưng rồi với cá tính mạnh mẽ, tinh thần lạc quan cũng như được sự chăm sóc, động viên của gia đình cùng các y bác sĩ khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học-truyền máu Trung ương, Thoa đã vượt qua được giai đoạn khó khăn nhất.
Khi sức khỏe ổn định, Thoa trở về nhà và bắt đầu đi làm như bao người bình thường khác. Tại nơi làm việc, Thoa gặp Nguyễn Minh Quý và cả 2 có tình cảm quý mến dành cho nhau. Tình cảm cứ vậy lớn dần lên, và họ đi đến cái kết có hậu bằng một đám cưới đầy ngọt ngào. Đây thực sự là bến đỗ bình an đối với cô gái đầy nghị lực như Thoa.
Giờ đây, mỗi sáng thức giấc Thoa không hề nghĩ đến căn bệnh nữa. Thoa cảm thấy mình vô cùng may mắn vì vẫn tìm thấy hạnh phúc sau quãng thời gian điều trị ung thư máu. Điều Thoa muốn gửi gắm đến những người cùng cảnh ngộ như mình là hãy tin tưởng vào các y bác sĩ và luôn mạnh mẽ, đừng yếu đuối. “Nếu mình đã có bệnh, buồn cũng không giúp bệnh giảm đi được. Mình phải cố gắng suy nghĩ tích cực, sống lạc quan để những người thân không phải lo lắng cho mình nhiều nữa”.
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại