Thứ hai 25/11/2024 07:22

Bí thư chi bộ hóa giải mâu thuẫn, gắn kết tình cảm trong Nhân dân

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Là một bệnh binh năm nay đã gần 70 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Lân vẫn hăng say với công tác xã hội, làm tốt vai trò Bí thư chi bộ kiêm Trưởng thôn Quang Húc, xã Đông Quang, huyện Ba Vì, Hà Nội. Đặc biệt, ông Lân luôn nỗ lực trong công tác hòa giải, nhiều năm qua, nhờ có ông góp sức mà Quang Húc luôn bình yên và ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Lân luôn hăng say, nỗ lực trong công tác hòa giải cơ sở
Ông Nguyễn Văn Lân luôn hăng say, nỗ lực trong công tác hòa giải cơ sở

Hòa giải viên phải là người công tâm

Người dân thôn Quang Húc chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi là chính, cũng như bao làng quê khác cuộc sống có lúc này, lúc kia và việc phát sinh va chạm, mâu thuẫn giữa hàng xóm, anh em, họ hàng… là điều tất yếu. Thế nhưng, từ những vụ việc đơn giản, đến những việc phức tạp đều được ông Lân hòa giải thành, gắn kết tình làng nghĩa xóm, tình cảm gia đình được giữ gìn.

Ông Lân tâm niệm: “Mình làm hòa giải tốt tức là mình xây dựng chi bộ và thôn mình tốt. Vì vậy, đã làm cán bộ thôn thì bản thân phải luôn nỗ lực, cố gắng giải quyết làm sao thấu tình, đạt lý, được Nhân dân tin tưởng, yêu quý và nể trọng…”.

Theo ông Lân, để hòa giải thành công, người làm công tác hòa giải ngoài cái tâm thì phải có những kỹ năng và hiểu biết pháp luật. Trong đó, cần phải hòa mình vào quần chúng, phải có uy tín trong cộng đồng dân cư, phải am hiểu pháp luật, nhất là liên quan đến Luật đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Thừa kế… Gần gũi với Nhân dân, gia đình mình phải nỗ lực xây dựng gia đình gương mẫu, chấp hành tốt mọi chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương…

Quá trình hòa giải, hòa giải viên phải biết lắng nghe, hiểu rõ nội dung sự việc, nhiều việc phải hòa giải từng phần, phần nào cần làm trước thì làm trước, phần nào cần làm sau thì làm sau. Bên cạnh đó, phải tranh thủ sự giúp đỡ của những người có uy tín trong dòng họ để họ có thêm tiếng nói trong những vụ mâu thuẫn lớn của các gia đình.

Đặc biệt, hòa giải viên phải là người công tâm, phải tính đến lợi ích chính của các bên và làm sao để mỗi bên đều hiểu ra vấn đề, đạt hiệu quả cao nhất là hòa giải thành. Đó là những kỹ năng giúp ông Lân nhiều năm qua đã hóa giải được nhiều vụ mâu thuẫn phức tạp ở Quang Húc.

Hóa giải mâu thuẫn, gắn kết tình cảm trong Nhân dân

Trong những vụ hòa giải thành, ông Lân còn nhớ việc tranh chấp ranh giới giữa gia đình ông H và ông K. Hai gia đình là hàng xóm lâu năm, trước đây giữa hai nhà là bờ rào bằng cây duối. Sau này, khi kinh tế khá giả, gia đình ông H muốn xây tường bao nhưng lại không nói gì với gia đình ông K. Quá trình bắt đầu xây dựng thì xảy ra tranh chấp ranh giới.

Nắm được nội tình sự việc, ông Lân đã đến gặp gỡ và giải thích cho hai gia đình. Thứ nhất, cây duối trước đây lúc trồng thì gốc nhỏ nhưng càng ngày càng lớn thì mốc giới nhiều khi cũng có sự thay đổi nhất định. Do đó, việc ông H tự ý xây là chưa được, mà việc này hai bên phải thống nhất đảm bảo hài hòa giữa hai nhà làm thì mới ổn thỏa... Đồng thời, ông Lân cũng đưa ra một số điều luật liên quan đến tranh chấp đất đai.

Từ những lời lẽ phân tích thấu tình đạt lý, ông H đã nhận ra việc làm của mình là chưa đúng và đã đứng ra xin lỗi ông K. Hai bên ngồi lại với nhau cùng bàn bạc và đã thống nhất được mốc giới để xây dựng bờ rào. Từ đó hai gia đình không còn tranh chấp, tình làng nghĩa xóm lại được gắn kết.

Một vụ việc khác liên quan đến đất đai, đó là việc của gia đình ông L định chuyển đi nơi khác nên có ý định bán đất. Mảnh đất này ông L đã xây dựng một ngôi nhà nhỏ cho chị gái tên N của ông ở. Tuy nhiên, việc bán đất ông L lại không nói gì với bà N. Từ đó, bà N lại nghe người ngoài châm chọc, khích bác nên cãi nhau với ông L và làm đủ mọi cách không cho ông L bán mảnh đất.

Trước việc này, ông Lân đã tìm hiểu đầu đuôi câu chuyện, sau khi nắm rõ được sự tình, ông Lân đã đến gặp chị gái ông L nói chuyện, chia sẻ. Ông Lân giải thích cho bà N rằng, ông L không bỏ bà, bán đất chuyển đi nơi khác nhưng ông ấy vẫn sẽ thương và lo lắng cho bà như trước tới nay. Ông L còn cho bà N cái nhà 3 gian đã làm sẵn.

Ông Lân cũng phân tích cho ông L hiểu là chị em sống với nhau, bán mảnh đất của gia đình là chuyện lớn nên chị em cần phải cùng nhau bàn bạc để không xảy ra mâu thuẫn, mất tình cảm… Nghe vậy, ông L đã suy nghĩ lại và xin lỗi chị gái, còn bà N cũng đã hiểu ra và đồng ý cho em trai bán một phần đất.

Trong quá trình làm Bí thư chi bộ, ông Nguyễn Văn Lân đã hòa giải thành công rất nhiều vụ việc. Ông luôn thấu hiểu mọi việc, xuất hiện ở mỗi điểm nóng cần tiếng nói của người cán bộ địa phương. Đặc biệt, ông là người đã hóa giải những mâu thuẫn giữa hàng xóm, gia đình, gắn kết tình cảm trong Nhân dân. Với uy tín của nhiều năm công tác, ông Lân được cán bộ, Nhân dân thôn Quang Húc quý mến, nể trọng và đánh giá cao. Những kết quả mà ông Lân làm được đã góp phần xây dựng Quang Húc bình yên và phát triển.
Phát huy vai trò của hòa giải viên trong việc giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp
Hòa giải ngay từ khi mâu thuẫn mới phát sinh
Người làm hoà giải phải luôn sát dân, gần dân
Tổ trưởng tổ hòa giải nhiệt tình kết hợp dân vận khéo
Bạch Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động