Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

/01

BÉ 8 TUỔI BỊ NGƯỜI TÌNH CỦA BỐ ĐÁNH CHẾT

Theo đó, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND TP đề nghị truy tố Nguyễn Võ Quỳnh Trang về tội giết người và hành hạ người khác; đề nghị truy tố Nguyễn Kim Trung Thái về tội "Hành hạ người khác", "Che giấu tội phạm".

Nạn nhân trong vụ án là cháu N.T.V.A. (SN 2014, trú tại phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM), con của Thái với vợ cũ.

Theo kết luận điều tra, Nguyễn Võ Quỳnh Trang có quan hệ tình cảm với Nguyễn Kim Trung Thái. Sau đó, Trang dọn về về sống cùng Thái và cháu V.A. tại chung cư Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh, TP HCM).

Quá trình sống chung, Trang nhiều lần dùng roi mây để đánh đập, hành hạ cháu A., gây ra nhiều vết bầm trên người bé. Thái cũng nhiều lần chứng kiến bé A. bị Trang dùng roi và cây đánh con nhưng không can ngăn, thậm chí đôi lúc còn chửi mắng và đánh con gái.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch
Chiếc roi mây Trang thường dùng để đánh cháu A.

Đến ngày 22/12/2021, trong quá trình dạy cháu A. học bài, Trang đã đánh cháu nhiều lần vì cháu làm bài sai. Trưa cùng ngày, cháu A. nói mệt và vào phòng nghỉ rồi nôn ói.

Thấy vậy, Trang đã gọi cho Thái về nhà. Khi thấy tình trạng sức khỏe cháu A. chuyển biến xấu, Thái gọi xe cấp cứu đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên cháu A. đã tử vong sau đó.

Dựa trên căn cứ kết luận giám định pháp y tử thi của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an TP HCM, Cơ quan CSĐT thông báo nguyên nhân chết của cháu A. bị phù phổi cấp và trên người có nhiều vết bầm cũ, mới khác nhau.

Phục hồi camera trong nhà, Cơ quan CSĐT xác định, Trang nhiều lần bạo hành, đánh đập bé A., Thái cũng chứng kiến sự việc này nhưng không can ngăn.

Thái biết Trang dùng roi, dùng cây để đánh con mình nhiều lần, liên tiếp nhiều ngày, thậm chí đánh gây thương tích ở một số vùng nguy hiểm trên cơ thể, có thể ảnh hưởng đến tính mạng con gái..., nhưng không can ngăn, không nghĩ đến hậu quả xảy.

Đến ngày định mệnh 22/12, bé A. bị hành hạ dã man trong khoảng 4 tiếng trước khi tử vong. Thái khai nhận lúc này đang đi làm, không chứng kiến Trang đánh con. Khi về nhà, Thái thấy con đã ngất lịm, không còn phản xạ nên đưa đi bệnh viện.

Trong thời gian chờ cấp cứu ở bệnh viện, Trang có kể cho Thái biết việc đánh bé V.A. Lúc này, Thái không trình báo, không tố giác hành vi của Trang mà vào ứng dụng điện thoại kết nối camera trong nhà chung cư, xóa dữ liệu camera.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

/02

Ly hôn, nguồn cơn của bi kịch

Sau khi cái chết tức tuổi của bé V.A bị phanh phui, bên cạnh sự bàng hoàng, phẫn nộ, dư luận còn lên án việc vô cảm của người thân, hàng xóm láng giềng… những người không phải hoàn toàn không biết chuyện bé V.A thường xuyên bị bạo hành. Trong đó, không thể kể đến sự thiếu quan tâm của ông bà nội của bé V.A, đồng thời dư luận cũng đặt câu hỏi về vai trò của mẹ V.A trong cuộc sống của con gái.

Theo tìm hiểu, thực tế sau khi ly hôn, chị H. (mẹ bé V.A) được tòa phán quyết nuôi cậu em trai nhỏ, còn bé V.A theo bố. Trong quá trình sinh sống với nhân tình, Thái đã nhiều lần ngăn cản việc cho hai mẹ con gặp nhau. Vì tin tưởng vào tình cha con ruột thịt, cũng để tránh va chạm, chị H. đã không gặp con hơn một năm.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

Cho rằng việc ngăn cản mẹ gặp con cũng là một trong những lý do khiến những đứa trẻ tăng thêm nguy cơ bị bạo hành, nhiều người sau đó nhắn tin chỉ trích chị H. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Tiến Hùng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, trên thực tế sau khi ly hôn, rất nhiều những bà mẹ/ông bố có hành vi ngăn cản bố/mẹ gặp con. Thậm chí nhiều người còn tìm mọi cách để ngăn cản quyền thăm nuôi ấy, từ việc đưa con sang nước ngoài, đến làm việc với trường – lớp con học để tuyệt đối không cho con giao tiếp với bố/mẹ… Vậy nên việc mặc dù có quyền, trường hợp của mẹ bé V.A không thể gặp con là chuyện có thể xảy ra.

Tuy nhiên, dù bất cứ lý do nào, việc ngăn cản cha/mẹ gặp con vẫn là những hành vi vi phạm pháp luật.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

Khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn như sau: Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Đồng thời ở khoản 2, Điều 83 quy định nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ trực tiếp nuôi con đối với người không trực tiếp nuôi con: Cha, mẹ trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình không được cản trở người không trực tiếp nuôi con trong việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

Còn tại Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình quy định về hành vi ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau như sau: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với hành vi ngăn cản quyền thăm nom, chăm sóc giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con, trừ trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền thăm nom con theo quyết định của tòa án; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

Khoản 1, Điều 28 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em quy định về vi phạm quy định về cấm xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ hoặc xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác như sau: 1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi xúi giục, kích động, lừa dối trẻ em dưới mọi hình thức làm cho trẻ em thù ghét cha, mẹ, người giám hộ.

Đồng thời, luật sư Hùng cũng cho biết, nếu khi có đủ chứng cứ về hành vi cản trở thăm con của cha mẹ hay ông bà… người bị cản trở có quyền gửi đơn đến cơ quan thi hành án hoặc công an nhờ can thiệp. “Trong trường hợp cha hoặc mẹ bị ngăn cản thăm nom chăm sóc giáo dục con chung và có đủ chứng cứ chứng minh sự ngăn cản này ảnh hưởng đến tâm lý, sự phát triển của con chung thì có quyền gửi đơn đến tòa án yêu cầu thay đổi quyền nuôi con” – luật sư Hùng nói.

/03

Nếu còn cho mình quyền được dạy con bằng roi vọt, bạo hành sẽ tiếp tục xảy ra

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

Công cụ pháp luật đã có, tuy nhiên nhiều vụ việc bạo hành trẻ em dẫn đến cái chết thương tâm như vụ bé V.A vẫn luôn xảy ra ở chính những gia đình tưởng chừng có tri thức và hiểu biết luật rõ nhất. Theo bác sỹ Trần Văn Phúc – Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nếu người lớn vẫn cứ luôn có lý do để đánh trẻ em, thì việc bạo hành chắc chắn sẽ xảy ra.

Mở đầu cuốn sách Tam Tự Kinh có từ hơn 700 năm trước là bài học “Nhân chi sơ – Tính bản thiện”, nghĩa là trẻ em sinh ra vốn hiền lành, lương thiện. Ngược lại xa hơn nữa, là Kinh Tân Ước gần hai ngàn năm về trước, đã mặc định trẻ em là đặc biệt quý giá, chúng chẳng có tội gì cả, chúng phải được yêu thương, phải được bảo vệ và chăm sóc bởi xã hội nói chung.

“Nhìn vào bức ảnh thi hài bé V.A trong chiếc áo cộc tay cũ kĩ màu hồng, đầu tóc ướt sũng, miệng vẫn há hốc như đang kêu ú ở trước lúc chết, tôi thực sự kinh hãi về sự ác độc của những kẻ biến thái về tâm hồn, bệnh hoạn về nhân cách và đạo đức. Bức ảnh ấy làm tôi thẫn thờ suốt nhiều ngày” – bác sỹ Phúc nói.

Bạo hành trẻ em - nguồn cơn của bi kịch

Thực tế ở nước ta, người lớn họ luôn tìm ra lí do để đánh trẻ con. “Câu "Yêu cho roi, cho vọt/Ghét cho ngọt cho bùi” cũng là cái để người lớn vin vào, để bao biện chuyện đòn roi chỉ là dạy dỗ. “Và những người xung quanh, trong đó có tôi và các bạn, có những người thân của trẻ, ai cũng tìm được lí do cho sự thờ ơ của mình. Nạn đánh đập tra tấn trẻ con, theo tôi, nó phản ánh một cách rõ ràng nhất thất bại của người lớn chúng ta” – bác sĩ Phúc quan điểm.

Trẻ em là vô tội! Văn học, hay các hình thức giải trí trong đời sống xã hội nói chung, từ nhân vật anh hùng cho đến kẻ phản diện đều đồng ý với nhau một điều rằng, họ sẽ không bao giờ làm tổn thương trẻ em. Một cuốn tiểu thuyết, hoặc một bộ phim, chắc chắn sẽ bị cơ quan kiểm duyệt cắt bỏ nếu có hình ảnh trẻ em bị ngược đãi hay bị giết.

Niềm tin không làm tổn thương một đứa trẻ, nó được tồn tại bởi nhiều lí do khác nhau, trong đó có lí do quan trọng nhất, trẻ em là vô tội nên cần được bảo vệ và tránh mọi nguy hiểm.

“Bạo lực không phải là căn bệnh không có căn nguyên, nhưng dù là nguyên nhân gì đi chăng nữa, thì đánh người là hoàn toàn sai, trong khi trẻ em cũng là một con người. Thực tế thì người lớn đã và đang đánh trẻ con, điều đó không đạt được mục đích giáo dục, mà chỉ che lấp sự bất lực của người lớn mà thôi.

Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một bé gái 8 tuổi, bị người bố làm ngơ để dì ghẻ hờ đánh đập hàng ngày nhân danh “dạy dỗ con cái”, cuối cùng là trận “đòn thù” 4 tiếng đồng hồ và cháu bé chết trong đớn đau cực hình? Bạn nghĩ gì khi nhìn thấy một bé gái 3 tuổi, bị người tình của mẹ đầu độc bằng thuốc diệt cỏ, bắt nuốt đinh, đánh gãy tay, rồi cuối cùng là đóng 10 cái đinh cắm sâu vào não?

Bạn nghĩ gì, khi hàng ngày đây đó, những ông bố bà mẹ nhân danh dạy con họ, để trút lên đầu trẻ những trận đòn thừa sống thiếu chết? Tôi thì cho rằng, nếu chúng ta vẫn tìm ra được lí do để cho rằng mình là người ngoài cuộc không có lỗi, thậm chí ai đó cổ vũ cho hành động đánh trẻ; thì chúng ta sẽ biến nơi mình đang sống trở thành địa ngục đẫm máu trong tương lai” – bác sỹ Phúc kết luận.

Bài viết: Ngọc Dung

Trình bày: Duy Anh