Thứ hai 25/11/2024 14:59

“Bằng khen về công tác hòa giải rất ý nghĩa với cuộc đời tôi”

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Đó là lời khẳng định của bà Lê Thị Dung, thành viên tổ hòa giải thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Bà cảm thấy những đóng góp, công sức hơn 20 năm hòa giải ở cơ sở được ghi nhận, giúp bà có động lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
“Bằng khen về công tác hòa giải rất ý nghĩa với cuộc đời tôi”
Bà Lê Thị Dung, thành viên tổ hòa giải thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội.

Trao đổi với PV, bà Lê Thị Dung, SN 1958, trưởng xóm 2 kiêm phó thôn An Trai, thành viên tổ hòa giải thôn An Trai, xã Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội cho biết, bà tham gia công tác hòa giải từ năm 1991 đến nay.

Khi tham gia công tác tại thôn xóm là bắt đầu công tác hòa giải tại cơ sở. Bởi lẽ, trong đời sống nhân dân không thể tránh khỏi những lời qua tiếng lại, mâu thuẫn với nhau như mâu thuẫn về đất đai, mâu thuẫn nội bộ trong gia đình, vợ chồng,...

Tổ hòa giải của bà có 16 thành viên được phân bố ở các khu vực dân cư khác nhau, mỗi người sẽ nắm bắt, hòa giải khu vực mình sinh sống. Nếu không hòa giải được sẽ báo lên tổ hòa giải để thành lập tổ hòa giải đến hòa giải.

Tại địa phương, có những vụ việc hòa giải phức tạp phải chuyển lên UBND xã giải quyết nhưng cũng rất nhiều vụ việc hòa giải ở dưới thôn xóm đã hòa giải thành công.

Về thời gian của người làm hòa giải thì không có một khung giờ cố định nào bởi vì khi có vụ việc phát sinh, người dân liên hệ là người làm công tác hòa giải ở thôn, xóm phải đến ngay, tránh sự việc đi quá tầm kiểm soát. Bên cạnh đó, cũng có những vụ việc khi người hòa giải đến gặp nhân dân nhưng vượt quá thẩm quyền nên sẽ tiếp thu ý kiến của người dân, tiếp nhận đơn rồi báo cáo lên cấp trên, xin ý kiến đồng chí lãnh đạo thôn để báo cáo lên UBND xã nhờ cán bộ chuyên môn hỗ trợ trong công tác hòa giải.

Nếu vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến đất đai thì người hòa giải viên không giải quyết được mà phải hướng dẫn cho người dân gửi đơn đến trưởng thôn hoặc gửi đơn trực tiếp lên UBND xã để nhờ cơ quan chức năng giải quyết. Còn những mâu thuẫn khác ở địa phương thì tùy tình hình, hòa giải viên có thể hòa giải thành công hoặc thành lập tổ hòa giải để hòa giải mâu thuẫn trong nhân dân.

Gần đây nhất, bà có hòa giải mâu thuẫn giữa hai gia đình vì một nhà nuôi chó, một nhà không nuôi chó. Khi nhà không nuôi chó mở cửa thì phát hiện ô uế trước cửa, quá bức xúc, gia đình này đã dùng đồ hất qua cửa sổ, máy giặt của nhà hàng xóm.

“Khi phát hiện như vậy, gia đình hàng xóm đã gọi cho tôi để trình bày sự việc. Nhận được tin báo, tôi vội vàng đến gia đình hàng xóm và nghe họ trình bày. Khi nghe hàng xóm trình bày xong, tôi lại sang nhà kia hỏi vì sao lại dùng gầu hất chất ô uế vào nhà hàng xóm nhưng người này vẫn cố cãi vì không bắt được tận tay. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhà hàng xóm, khi phát hiện sự việc chạy ra thì vẫn thấy nhà kia cầm gầu và chổi”, bà Dung chia sẻ.

Theo bà Dung, sau đó bà đã gọi điện cho Bí thư thôn và mời trưởng thôn đến. Đồng thời, mời tổ trưởng khu dân cư cùng đến phối hợp xử lý vụ việc. Sau khi gặp gỡ 2 bên, tổ hòa giải cũng đã phân tích tình làng nghĩa xóm, việc nuôi chó không được thả rông phóng uế gây mất vệ sinh,...

Tiếp theo đó, tổ hòa giải đến hai gia đình một lần nữa, bà mẹ đó vẫn không thừa nhận nhưng các con trong gia đình kia đều biết hành động đó do mẹ mình làm. Cô con dâu của gia đình kia đã trực tiếp sang nhà hàng xóm xin lỗi. Gia đình kia cũng chấp nhận lời xin lỗi và hai gia đình đã bỏ qua cho nhau. Về phần chó thả rông thì gia đình hàng xóm rút kinh nghiệm và hứa không thả rông chó ra đường gây ô uế đường đi.

Chia sẻ hơn 20 năm làm công tác hòa giải ở cơ sở, bà Dung cho hay, trong quá trình tham gia công tác hòa giải, các công việc bà làm cũng được UBND xã ghi nhận. Năm 2019, bà được UBND xã đề nghị lên phòng Tư pháp huyện Hoài Đức và được Sở Tư pháp TP Hà Nội tặng bằng khen làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở.

“Bằng khen của Sở Tư pháp rất ý nghĩa với cuộc đời tôi. Các con khi thấy tôi nhận được tấm bằng đó cũng hãnh diện bởi những cố gắng, đóng góp cho cộng đồng, xã hội của mẹ được ghi nhận. Bằng khen cũng là niềm động viên cho tôi nếu còn tham gia công tác xã hội ngày nào thì sẽ làm tốt nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững tình làng nghĩa xóm, đảm bảo an ninh chính trị, ổn định xã hội trên địa bàn”, bà Dung chia sẻ.

Công tác hòa giải cơ sở luôn được quan tâm thực hiện
Phát huy vai trò của hương ước, quy ước đối với công tác hòa giải
Phát huy vai trò công tác hòa giải ở địa phương
Công Phương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động