Thứ ba 26/11/2024 08:56
Bất cập ở chung cư Hà Nội:

Bài cuối: Cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý những sai phạm

Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên
Sự không đồng bộ trong quy hoạch, trong sự phát triển đô thị và nhu cầu của dân sinh khiến hầu hết các chung cư ở Hà Nội xuất hiện những bất cập. Trong khi các cơ quan liên ngành, các cơ quan chức năng năm này qua năm khác vẫn ngồi với nhau để tìm cách tháo gỡ thì tất cả những bất cập ấy âu vẫn cứ là những người dân phải gánh chịu.
Bài 5: Có nhà nhưng không có chỗ để xe Bài 5: Có nhà nhưng không có chỗ để xe
Bài 4: Từng m2 được tận dụng để xây nhà nhưng lại quên... sân chơi cho trẻ Bài 4: Từng m2 được tận dụng để xây nhà nhưng lại quên... sân chơi cho trẻ
Bài 3: Nếu xảy cháy nổ ở chung cư hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhà thấp tầng Bài 3: Nếu xảy cháy nổ ở chung cư hậu quả sẽ nghiêm trọng hơn nhà thấp tầng
Bài 2: Không chỉ riêng chung cư 87 Lĩnh Nam dân cư phải chờ sổ... Bài 2: Không chỉ riêng chung cư 87 Lĩnh Nam dân cư phải chờ sổ...
Bài 1: Sai phạm của chủ đầu tư khiến gần 1.000 hộ dân không được cấp Bài 1: Sai phạm của chủ đầu tư khiến gần 1.000 hộ dân không được cấp "sổ đỏ"

Có lẽ việc mua nhà, sở hữu nhà nhưng chưa biết ngày nào được sở hữu quyền sử dụng chỉ xuất hiện ở Việt Nam. Nghịch lý ở chỗ từ lúc dự án bắt đầu hình thành, xin giấy phép và động thổ xây dựng đến việc đưa ra thị trường đều phải thông qua rất nhiều khâu, quy trình và đều có sự quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng nhà nước.

Đã qua quá nhiều những quy trình như vậy, người mua cầm tiên đi mua nơi an cư không phải chỉ trông chờ vào chủ đầu tư, mà niềm tin vào nhà nước là rất lớn. Ấy vậy nhưng việc không lường trước được vẫn xảy ra như cơm bữa.

Ở đây, có thể kể đến việc người dân mua nhà đến 5, 7 năm vẫn chưa được cầm trong tay cuốn sổ hồng trách nhiệm đầu tiên thuộc về chủ đầu tư. Không ít chủ đầu tư vì quyền lợi, vì lợi nhuận của mình xây công trình sai phép, sai thiết kế hay thêm tầng vô tội vạ, hay những lý do chậm trả tiền thuế đất… là những vấn đề thường gặp trong câu chuyện khiến người dân mất đi quyền lợi chính đáng của mình.

Bài cuối: Cần có những chế tài đủ mạnh để xử lý những sai phạm
Giải pháp nào để giải quyết triệt để cho những bất cập ở chung cư.

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội thứ XIV, cựu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hã đã từng trả lời những chất vấn. Ông nhìn nhận có một số chủ đầu tư chậm việc thực hiện cấp quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở cho người dân khi mua nhà.

Theo đó, ông Hà nêu rõ, theo quy định pháp luật, sau 50 ngày sau khi bàn giao nhà cho người mua nhà thì chủ đầu tư phải thực hiện việc làm các thủ tục để cấp chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà cho người dân. Pháp luật đã quy định chế tài xử phạt có thể lên đến 1 tỷ đồng đối với những chủ đầu tư chậm trễ việc này.

Nguyên nhân chính xảy ra tình trạng trên theo ông Hà có 2 loại. Một là, chủ đầu tư thực hiện chưa đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở. Hai là, mặc dù có thể đã thực hiện đầy đủ các thủ tục rồi nhưng vẫn cố tình chậm trễ trong việc làm các thủ tục cấp quyền cho người dân.

Về giải pháp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết, đối với những dự án đã thực hiện trong thủ tục nhưng chủ đầu tư cố tình chây ỳ thì đề nghị các địa phương tập trung xử lý nghiêm khắc theo xử phạt vi phạm hành chính. Nếu chủ đầu tư vẫn cứ cố tình thì chuyển các cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định trong Bộ luật Hình sự.

Tuy nhiên cho đến nay, chưa vẫn chưa thấy một vụ xử lý hình sự nào cho các chủ đầu tư trây ỳ trong công cuộc trả quyền lợi cho dân. Và vướng mắc thì các cơ quan vẫn loay hoay tìm cách tháo gỡ, chỉ có người dân vẫn một lòng khắc khoải chờ đợi cái tờ giấy nhỏ mà đáng lẽ ngay sau khi nhận nhà không lâu, họ đã được quyền sở hữu rồi.

Cũng vậy, trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy ở chung cư, những bất cập do nguyên nhân khách quan như địa hình, đường xá giao thông… cùng với những nguyên nhân chủ quan của chủ đầu tư, người dân đang sinh sống và sử dụng chung cư đều cũng đã được đưa vào luật định và có nhiều cách tháo gỡ. Thế nhưng có biện pháp gì, phạt hành chính, xử lý vi phạm bằng cách cắt điện, nước… vẫn là không đủ răn đe để chủ đầu tư tiếp tục có những sai phạm.

Một lần nữa, việc xử lý vi phạm về phòng cháy chữa cháy cũng được UBND thành phố Hà Nội đề xuất sẽ xử lý hình sự những chủ đầu tư sai phạm. Tuy nhiên, việc đưa ra tòa để các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm này có thực sự sẽ giải quyết được những tồn tại trước đó. Để rồi người dân đang sinh sống chung cư vẫn cứ thấp thỏm mỗi lần nghĩ đến chuyện cháy, nổ…

Và tiếp đó là việc thiếu sân chơi, thiếu chỗ để xe… đến giờ vẫn gần như không có giải pháp. Lý giải nguyên nhân, nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân thì có nhiều, trong đó có thể kể đến những nguyên nhân như một số chủ đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án không đúng quy định, vi phạm các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng, pháp luật về nhà ở, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy, một số chủ đầu tư chỉ chú trọng đến thu lợi nhuận từ việc bán căn hộ mà chưa quan tâm thích đáng đến nghĩa vụ sau bán hàng; không công khai đầy đủ các thông tin về dự án và những thay đổi của dự án trong quá trình thực hiện đầu tư…

Cũng theo đó, các chuyên gia cho rằng trong vấn đề này còn phải đề cập đến vai trò quản lý Nhà nước của các cơ quan chuyên ngành và chính quyền địa phương ở một số nơi chưa thực hiện tốt; Ngoài ra, người dân khi mua nhà ở đã không xem xét hết các nội dung đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán căn hộ đã ký.

Như vậy, có lẽ bên cạnh việc cần có một hệ thống pháp luật hoàn thiện quy định rõ ràng, cần có những chế tài xử lý mạnh tay với các sai phạm của chủ đầu tư… người dân cũng cần thiết phải tự trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng xem xét và nhận định những chung cư, căn hộ phù hợp cho mình để tránh sau này mới kêu trời vì quyền lợi chính đáng không được đảm bảo.

Minh Dương
Pháp luật và Xã hội

Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại

Có thể bạn quan tâm

Tin mới hơn
Tin đã đăng
Xem thêm»

Mời bạn quét mã QR để theo dõi Pháp luật và Xã hội trên nền tảng Zalo

Mời bạn quét mã QR để theo dõi phapluatxahoi.kinhtedothi.vn
X
Phiên bản di động