Bài 3: Mạng ảo – hậu quả thật
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên"Giang hồ mạng" Ngô Bá Khá cùng đồng bọn tại tòa. |
Mạng ảo – hậu quả thật
Tháng 10 – 2021, TAND tỉnh Bình Phước đã mở phiên tòa xử Nguyễn Cảnh Vương ( 23 tuổi, ngụ tại Long Tân, huyện Phú Riềng, Bình Phước) vì tội giết người. Theo đó, trong bữa nhậu cùng các bạn tại nhà, Vương cùng các bạn đã mở điện thoại và thực hiện livestream trên mạng xã hội. Tại buổi livestream đó, chỉ bởi không vui vì một câu bình luận của nạn nhân Nguyễn Văn Sơn (Phú Riềng, Bình Phước), Vương và nhóm của Sơn đã xảy ra xô xát.
Trong lúc giằng co, Vương bị Sơn đâm trúng một dao ở nách trái, không chịu thua, Vương đã đi lấy dao rựa chém Sơn. Vì vết thương quá nặng, Sơn đã tử vong trên đường đến bệnh viện. TAND tỉnh Bình Phước đã tuyên phạt Vương 12 năm tù, ngoài ra Vương còn phải đền bù cho gia đình bị hại số tiền hơn 420 triệu đồng.
Ngô Bá Khá tức Khá bảnh sau 1 thời gian thăng hoa, cho phép mình tung hoành và hành xử theo lối giang hồ đã bị công an khởi tố, đưa ra tòa vì tội đánh bạc và tổ chức đánh bạc. Cũng qua xét nghiệm, Khá bảnh có phản ứng dương tính với ma túy.
Trên tòa, Khá bảnh khai mình mới học hết lớp 7, từng phải đi trường giáo dưỡng, làm nghề thợ mộc. Và Khá bảnh cũng thừa nhận đã bị phạt hành chính về tội đốt xe. Trần tình vì lý do phạm tội, Khá nhận thức rõ hành vi của mình là vi phạm pháp luật, tuy nhiên anh ta vẫn thực hiện với lý do "tuổi trẻ nên suy nghĩ nông nổi". Những hành vi ngông cuồng ở thế giới ảo, cái thế giới mà Khá ảo tưởng cho rằng mình là một vĩ nhân không bao giờ được phép tồn tại ở thế giới thực. Ngô Bá Khá đã phải nhận 10 năm 6 tháng tù vì tội Tổ chức đánh bạc và Đánh bạc.
Tháng 1 – 2022, Công an huyện Thanh Miện (Hải Dương) đã khởi tố vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến vụ “giang hồ mạng” Dương Minh Tuyền bị bắn tại thị trấn này.
Theo đó, tối ngày 4 - 1, Lã Văn Linh (Ba Vì, Hà Nội) đèo Hồ Văn Khoa (Sóc Sơn, Hà Nội) trên xe máy. Hai đối tượng đi xe đến gần khu vực xe ô tô Dương Minh Tuyền đang đỗ ở gần một quán karaoke tại thị trấn Thanh Miện, Hải Dương.
Khoa ngồi sau sử dụng súng bắn đạn hoa cải bắn 3 phát về phía đầu xe ô tô của Tuyền, sau đó cả 2 bỏ chạy về Hà Nội. Nguyên nhân vụ việc được xác định là do Dương Minh Tuyền và Hồ Văn Khoa có mâu thuẫn với nhau từ trước, đã nhiều lần chửi, thách thức nhau trên mạng xã hội. Cả hai hẹn nhau chiều ngày 4 -1 về ăn cỗ tân gia nhà một người quen của Dương Minh Tuyền ở xã Đoàn Tùng, Thanh Miện, Hải Dương và giải quyết mâu thuẫn.
Do Khoa không về được nên Tuyền tiếp tục phát trực tiếp trên mạng xã hội xúc phạm, thách thức Khoa. Khoa đã rủ Linh về Thanh Miện và gây ra vụ việc trên.
Chỉ có tòa án mới được quyền tuyên án
Bà Nguyễn Phương Hằng tại cơ quan công an |
Ngày 24 – 3, Công an TP HCM đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thực hiện lệnh bắt bị can để tạm giam đối với bà Nguyễn Phương Hằng, nữ doanh nhân làm mưa làm gió trên sóng livestream mạng xã hội thời gian qua.
Quá trình điều tra, Công an xác định từ bà Nguyễn Phương Hằng đã dùng 12 kênh trên mạng xã hội (facebook, youtube, tiktok…) để livestream bôi nhọ, nhục mạ người khác, tung tin sai sự thật.
Bà Hằng đã giao cho nhiều người quản lý các kênh mạng xã hội này để thực hiện livestream, phát tán nội dung theo yêu cầu của bị can. Trong đó, có nhiều video sai sự thật, vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác.
Công an xác định, bà Hằng có đội ngũ "hậu cần" giúp sức thu thập thông tin, lên kịch bản, chuẩn bị nội dung nói trong các buổi livestream.
Do đó, Công an TP HCM mở rộng điều tra, mời làm việc những người có liên quan này để làm rõ vai trò, trách nhiệm của từng người trong vụ bà Nguyễn Phương Hằng bị cáo buộc có hành vi "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Bên cạnh những người trực tiếp hỗ trợ bà Hằng, cơ quan công an cũng sẽ mời làm việc các youtuber, facebooker có mối quan hệ hoặc xuất hiện và phát ngôn trong các buổi livestream của bà Hằng.
Bị khởi tố tội lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, bà Hằng có thể sẽ phải nhận hình phạt lên đến 7 năm tù. “Theo đó, điều 331 Bộ Luật hình sự đã quy định rất rõ, Tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân tùy theo mức độ, hành vi sẽ bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù. Và hình phạt cao nhất lên đến 7 năm tù.” – luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Văn phòng Luật sư Phúc Thọ - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Cũng theo luật sư Hùng, ngoài tội danh đã bị khởi tố, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của Nguyễn Phương Hằng trong thời gian qua theo nội dung đơn thư tố cáo của nhiều người, trong đó có các hành vi như vu khống, làm nhục người khác, đưa thông tin trái phép trên mạng internet.
Ngoài ra, theo luật sư Hùng, bà Hằng có thể vi phạm vào các điều trong Luật An ninh mạng 2018. "Điểm d của điều 8 Luật An ninh mạng quy định: Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác. Đồng thời, điều 16 cũng quy định hành vi xúc phạm nghiêm trọng danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác; Thông tin bịa đặt, sai sự thật xâm phạm danh dự, uy tín, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác… đều thuộc những hành vi phải xử lý.”
“Việc định tội và phán xét công – tội của cá nhân khi đã có đủ bằng chứng, yếu tố chỉ được thực hiện trên tòa án. Bất cứ cá nhân nào cũng không được phép định tội, phán xét người khác. Tội của bà Hằng ra sao, chắc chắn sau khi xem xét và có đủ các chứng cứ Tòa án sẽ có mức tuyên phạt thích đáng…” – luật sư Hùng cho biết. (Còn nữa)
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại