Bài 2: Kênh thông tin tuyên truyền pháp luật tại cơ sở
Theo dõi Pháp luật & Xã hội trên "Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” phường Trúc Bạch tuyên truyền tới người dân về lợi ích của việc sử dụng căn cước công dân điện tử, phổ biến giáo dục pháp luật. Ảnh Vi Giáng |
“Chậm” đăng ký kết hôn vì dịch bệnh
Thực tế xuống cơ sở, “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, ghi nhận nhiều hoàn cảnh, câu chuyện của người dân còn tâm lý chủ quan việc chấp hành quy định pháp luật trong thủ tục đăng ký kết hôn và những vụ lừa đảo qua căn cước công dân gắn chíp điện tử có tích hợp các dữ liệu thông tin.
Tổ chức đám cưới vào đúng dịp Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, nên thời điểm đó gia đình chị Đào Hoàng Nga (trú tại 40 Ngũ Xá, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) chưa làm thủ tục xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn. Phần vì dịch bệnh, phần vì đang mang thai ngại va chạm chỗ đông người nên chị Nga cứ nấn ná sau gần một năm “về chung một nhà”, chị Nga lên UBND phường làm thủ tục xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn.
Sau khi được Bộ phận một cửa hướng dẫn đăng ký qua cổng dịch vụ công trực tuyến quốc gia, chị Nga gặp một số lỗi, thiếu sót. Chị Nga gọi điện đến Bộ phận một cửa của phường thì nhận được lịch hẹn sẽ có “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” đến hướng dẫn, hỗ trợ.
Chị Đào Hoàng Nga (trú tại 40 Ngũ Xá, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình) được cán bộ UBND phường Trúc Bạch Ngô Chu Cường hướng dẫn làm thủ tục xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn. Ảnh Vi Giáng |
Đúng lịch hẹn 9h30 ngày 29/6, “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” gồm cán bộ phường Ngô Chu Cường, Đào Lan Phương, Trần Hùng Hưng và ông Chính, Tổ trưởng Tổ dân phố số 3 đến tư vấn, hỗ trợ.
Những vướng mắc của chị Nga được cán bộ phường Ngô Chu Cường giải đáp tận tình. Sau khi hướng dẫn chụp ảnh thẻ căn cước công dân, chị Nga điền đầy đủ các trường thông tin trong nội dung có gắn dấu sao bắt buộc. Dòng thông báo hiện lên đăng ký thành công chị Nga vô cùng cảm kích trước sự tận tình, trách nhiệm của cán bộ phường.
“Tôi thấy rất là tiện, nhờ cán bộ đến tận nhà người dân không phải trực tiếp đi ra phường xếp hàng giữa thời tiết nắng nóng. Trong khi đó các thủ tục đăng ký trên máy tính cũng làm y hệt như vậy”, chị Nga cho hay. Qua đây, chị Nga cũng thừa nhận những sai sót của bản thân khi chậm trễ trong việc làm thủ tục xác định tình trạng hôn nhân để đăng ký kết hôn.
Qua trường hợp của chị Nga, cán bộ phường Ngô Chu Cường cho biết, tất cả thủ tục hành chính dịch vụ công, họ đều có câu hỏi tương tự, chỉ khác một số tiêu chí. Ví dụ, trong dịch vụ công, trường thông tin quan trọng có dấu sao, đóng dấu mở ngoặc màu đỏ (trường thông tin bắt buộc). Lưu ý người khai không bỏ sót trường thông tin này, đây cũng là cơ sở để cán bộ nắm bắt, kê khai, hoàn thiện hồ sơ đầy đủ hơn. Đánh giá chung khi tiếp nhận hỗ trợ, anh Ngô Chu Cường nhận thấy người dân vui vẻ, phấn khởi, vì được hỗ trợ kịp thời, việc giải quyết thủ tục nhanh, gọn hơn.
Cảnh báo đối tượng lừa đảo trên mạng xã hội
Bên cạnh việc hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, các thành viên trong “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” phường Trúc Bạch cũng tăng cường tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng căn cước công dân điện tử, phổ biến giáo dục pháp luật và đặc biệt là giúp người dân phòng tránh các hình thức lừa đảo qua mạng xã hội bằng thông báo trúng thưởng, nhận quà tặng…
Chị Đào Lan Phương tuyên truyền tới các hộ dân, việc cấp mã định danh điện tử, chỉ cần mang căn cước công dân đã gắn chíp và các giấy tờ khác như giấy phép lái xe, đăng ký xe và bảo hiểm y tế và các giấy tờ khác đến CA phường, các cán bộ sẽ nhập dữ liệu và tích hợp các giấy tờ vào một căn cước công dân gắn chíp. Việc cấp mã định danh điện tử sẽ giúp công dân thực hiện các dịch vụ trực tuyến thuận tiện, giúp giảm tải thời gian thủ tục hành chính.
Đồng thời cảnh báo tới người dân về các hình thức lừa đảo trên mạng xã hội. Chị Đào Lan Phương nêu ví dụ, nếu người dân nhận được cuộc gọi điện thoại của đối tượng mạo danh nhân viên bán hàng hoặc là người của đại diện cơ quan, Viện kiểm sát, tòa án, cơ quan tố tụng, CSGT, nói chị vi phạm giao thông và bị phạt nguội, nhận trúng thưởng. Sau đó, yêu cầu nộp tiền.
Đối với những trường hợp này, các biện pháp phòng ngừa được chị Đào Lan Phương nêu cụ thể, khi tiếp nhận thông tin của đối tượng lạ người dân sẽ gọi điện thoại cho cảnh sát khu vực, CA phường. Tuyệt đối không làm việc qua điện thoại. Nếu đối tượng gọi điện nhiều lần làm phiền, người dân yêu cầu gặp mặt tại trụ sở cơ quan Nhà nước. Người dân cần tuyên truyền với gia đình để chia sẻ với con cái, người già, phối hợp với các hộ dân khác nâng cao cảnh giác phòng ngừa tội phạm lừa đảo qua mạng.
Trong quá trình thực tế xuống cơ sở, nhóm tình nguyện viên “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà” ghi nhận phản ánh của bác Vũ Quỳnh Như về trường hợp người thân trong gia đình bị lừa đảo trúng thưởng trên mạng xã hội.
Nhóm tình nguyện viên tuyên truyền tới bác Vũ Quỳnh Như về nâng cao cảnh giác đối tượng lừa đảo thông qua mạng xã hội, kênh bán hàng trực tuyến bằng thông báo trúng thưởng, nhận quà tặng... |
Bác Như chia sẻ câu chuyện, cô em gái thường hay mua hàng trên trang bán hàng trực tuyến thì được tin nhắn gửi đến thông báo trúng thưởng 60 triệu đồng. Yêu cầu khai thông tin căn cước công dân và nộp phí chuyển khoản cũng gần bằng số tiền trúng thưởng “ảo”. Chỉ khi có nhân viên đến giao nộp cây nước nóng lạnh hàng “rởm”, cô em gái bác Như mới tá hỏa khi biết bị lừa đảo. Qua việc tuyên truyền của cán bộ phường, bác Như biết cách phòng tránh và tuyên truyền đến người thân, hàng xóm để không mắc bẫy đối tượng lừa đảo, tránh tiền mất tật mang.
Qua thời gian thí điểm “Đội cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”, ông Nguyễn Dân Huy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch đánh giá cao hiệu quả hoạt động. Thực hiện chỉ đạo của Quận ủy, UBND quận Ba Đình, đẩy mạnh lượng hồ sơ tiếp nhận dịch vụ công trực tuyến tăng lên.
Đồng thời, quận cũng chỉ đạo các phường cụ thể hóa Đề án 06 về “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ. Việc thực hiện mô hình, vừa xuống hướng dẫn công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại nhà, tuyên truyền vận động nhân dân đưa Đề án 06 vào cuộc sống.
Đặc biệt, qua cách thức vận động, tuyên truyền tại nhà, trên cơ sở tuyên truyền, vận động nhân dân, chúng tôi thực hiện các hoạt động đời sống xã hội đang “nóng” hiện nay. Ví dụ, khi triển khai cấp căn cước công dân điện tử gắn chíp, xuất hiện hình thức lừa đảo, lấy thông tin căn cước công dân để thực hiện hành vi lừa đảo. Chúng tôi kết hợp với người dân tuyên truyền nâng cao cảnh giác, phòng tránh đối tượng như vậy. Đồng thời, tuyên truyền nhân dân thực hiện nhiệm vụ kinh tế xã hội của phường, quận và Hà Nội.
Bài 1: Đi từng ngõ, gõ từng nhà, tiếp cận từng hộ dân |
Pháp luật và Xã hội
Mở Zalo, bấm quét QR để quét và xem trên điện thoại